Khi tham gia mô hình, 7 hộ hưởng lợi trực tiếp được hỗ trợ 100% giống, phân viên nén dúi sâu và tham gia các đợt tập huấn, trao đổi kinh nghiệm trong từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa từ làm đất, gieo mạ, kỹ thuật cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh qua từng giai đoạn: đẻ nhánh, phân hóa đòng, giai đoạn trỗ - chín, kỹ thuật thu hoạch và bảo quản…

Việc áp dụng đồng bộ hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI, trong đó tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, giảm lượng phân vô cơ, cải tạo đất; cấy thưa lúa đẻ nhánh khỏe, sạch sâu bệnh nên giảm thuốc bảo vệ thực vật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời vừa làm tăng hiệu quả canh tác lúa, bảo vệ môi trường…

Tại buổi hội thảo đầu bờ, các đại biểu đánh giá đây là mô hình phù hợp với điều kiện đất đai tại địa phương. Khi thực hiện mô hình bà con đã giảm được 40% lượng giống do gieo mạ thưa, cấy thưa nên lúa phát triển khỏe, đẻ nhánh hữu hiệu cao. Áp dụng kỹ thuật cấy hàng rộng hàng hẹp nên lúa hấp thu ánh sáng tốt, giảm cỏ dại, giảm sâu bệnh, từ đó giảm chi phí thuốc BVTV. Không những thế mô hình còn sử dụng phân viên nén dúi sâu đã tạo cho cây lúa hấp thụ dinh dưỡng từ từ ở từng giai đoạn cây lúa cần nên lượng phân bón không bốc hơi, không gây lãng phí, từ đó giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Năng suất mô hình dự kiến đạt 4 tạ/sào, cao hơn 1 tạ so với mô hình truyền thống của bà con trong xã.

Tham quan mô hình thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI

Trong thời gian tới, để mô hình thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI nhanh chóng được nhân ra diện rộng, các xã vùng dự án và bà con nông dân cần tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ nông dân khác mạnh dạn áp dụng biện pháp cấy mạ non, cấy nông tay, thẳng hàng, cấy một dảnh, điều tiết nước. Đồng thời kịp thời nắm bắt những nhu cầu, nguyện vọng của người nông dân, từ đó đưa ra các giải pháp giúp người nông dân áp dụng đồng bộ quy trình tiến bộ khoa học mới.

Kết quả của mô hình đã góp phần nâng cao trình độ thâm canh của người nông dân, giúp người dân thay đổi thói quen, tập quán canh tác cũ nhằm tăng năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế, giảm chi phí đầu vào (giống, phân bón hóa học và thuốc BVTV), hướng tới một nền nông nghiệp bền vững.

Thu Hiền

Trung tâm Khuyến nông  Thanh Hóa