Trước khi triển khai mô hình, người nông dân được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, cấy lúa theo phương pháp SRI; được hỗ trợ 100% giống, 30% phân bón hữu cơ và được tham dự các cuộc hội thảo nhân rộng mô hình, hội nghị tổng kết... Giống lúa sử dụng tại mô hình là giống BC15 và giống HN6 do Công ty Giống Tứ Xuyên cung ứng. Đồng thời Công ty thời cam kết thu mua sản phẩm với giá thành cao hơn thị trường. Phân bón tại mô hình là phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng do Công ty CP Phân bón Phúc Thịnh cung ứng.

Sử dụng phân hữu cơ vi sinh và hữu cơ khoáng giúp đất đai không bị thoái hóa, chai cứng, mà còn được cải tạo tốt hơn, tăng độ phì nhiêu, giúp cho cây lúa phát triển cân đối, sản phẩm lúa gạo an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cây lúa đẻ nhánh khỏe, thân cứng, bộ rễ ăn sâu, tăng cường khả năng hấp thụ dinh dưỡng, ít bị sâu bệnh hại.

Tham quan mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc từ hóa học mà sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học thảo mộc. Vì vậy, chi phí thuốc BVTV sử dụng ở ruộng mô hình ít hơn so với ruộng đối chứng; góp phần giảm công lao động (công chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh), giảm lượng giống, giảm lượng phân bón; tăng chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập. Đặc biệt là bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, bước đầu thực hiện mô hình còn gặp không ít khó khăn do bà con chưa tin tưởng vào hiệu quả mô hình. Bà Vũ Thị Nụ, thôn Thượng, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc - một trong những hộ tham gia trực tiếp mô hình cho biết: "Lần đầu tiên thực hiện mô hình mà không sử dụng bất kỳ loại phân bón hóa học nào, chúng tôi rất lo lúa mất mùa, nhưng đến nay hiệu quả của mô hình đã được khẳng định. Việc sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây lúa phát triển tốt, không sâu bệnh, năng suất mô hình đạt trên 4 tạ/sào. Đặc biệt thông qua mô hình đã tạo ra nguồn sản phẩm hữu cơ an toàn cho con người và môi trường".

Ông Vũ Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Yên cho biết: "Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là hướng đi mới để xây dựng vùng sản xuất lúa gạo hữu cơ, góp phần tạo dựng một nền nông nghiệp xanh - sạch - an toàn và bền vững. Mô hình không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho nông dân mà từng bước cải tạo đất đai, bảo vệ sức khỏe cho con người, góp phần bảo vệ môi trường. Vụ tới, năm tới, ngoài mô hình về cây lúa, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến cáo bà con trong xã, trong huyện xây dựng thêm nhiều mô hình trên nhiều loại cây trồng theo hướng hữu cơ nữa ".

Kết quả, mô hình trồng lúa hữu cơ sinh học được các đại biểu và nông dân tham dự hội nghị tổng kết đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp canh tác truyền thống. Ông Vũ Đình An - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa tâm sự "Việc sản xuất lúa hữu cơ sinh học là xu thế hiện nay, khi thực hiện mô hình cho thấy chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giảm, cây lúa phát triển tốt, không sâu bệnh, năng suất cao hơn ngoài mô hình bình quân khoảng 3- 5 tạ/ha, giá bao tiêu sản phẩm cũng cao hơn từ 500 - 700 đồng/kg… đồng thời giúp môi trường xanh- sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Vụ tới chúng tôi sẽ mở rộng diện tích lên từ 50- 100 ha".

Việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ nhằm cung cấp nguồn lương thực sạch cho nhu cầu thị trường, đồng thời giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện môi trường sống, đảm bảo an toàn. Đây cũng là hướng phát triển nền nông nghiệp bền vững mà Thanh Hóa đang hướng tới.

Thu Hiền

TT Khuyến nông Thanh Hóa