Thời gian qua, rau muống trồng ở xã này chưa tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Để phát triển sản xuất, cung cấp cho thị trường rau sạch, an toàn, từ tháng 8 năm 2016 Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức xây dựng cánh đồng rau muống nước theo VietGAP tại xã nhằm nâng cao nhận thức cho người sản xuất, đặc biệt trong việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón, ghi chép nhật ký đồng ruộng để tạo ra sản phẩm an toàn, có thể truy nguyên nguồn gốc.

Sau hơn 01 năm triển khai, Trung tâm Khuyến nông TP đã thực hiện được 04 lớp tập huấn về kỹ thuật, 02 cuộc hội thảo, xây dựng 08 mô hình trồng rau muống nước VieGAP với quy mô 43,95 ha/56 hộ, trong đó có 20 hộ đạt chứng nhận VietGAP với diện tích 14ha, cung cấp cho thị trường khoảng 2.800 tấn/năm. Tổ chức xây dựng logo cho CLB rau muống nước tại xã và thành lập 01 tổ hợp tác với 36 thành viên. Hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm rau muống VietGAP với 03 đơn vị thu mua là Công ty Bách Hóa Xanh, Công ty Sông Xanh, Hợp tác xã Mai Hoa.

Tại Hội thảo đánh giá, bà con nông dân ghi nhận sự nỗ lực đóng góp của đơn vị trong việc nâng cao nhận thức cho người trồng rau muống thấy được lợi ích của sản xuất an toàn và đây sẽ là hướng đi tất yếu khi nhu cầu người tiêu dùng ngày càng khắc khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Ông Nguyễn Văn Cộng, Tổ trưởng tổ rau muống nước ấp 1, xã Nhị Bình cho biết: “Trước đây gia đình tôi sản xuất theo kiểu truyền thống, theo kinh nghiệm, sử dụng phân bón và thuốc BVTV chưa đúng kỹ thuật. Nhưng từ khi được cán bộ khuyến nông tuyên truyền, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng theo VietGAP và hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng nên giờ tôi an tâm về sản phẩm của mình khi đến tay người tiêu dùng. Trước đây chúng tôi cũng khó khăn trong việc ghi chép sổ sách nhưng giờ thì quen rồi. Tuy nhiên, hiện nay việc tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn, chủ yếu tiêu thụ ở chợ đầu mối, chỉ khoảng 20% sản lượng được HTX, công ty thu mua. Giá bán rau muống VietGAP cũng bằng rau thông thường (6.000 đồng/kg) nên người nông dân chưa an tâm để tiếp tục sản xuất. Vì vậy có nhiều hộ đã bỏ không sản xuất theo VietGAP nữa. Đề nghị các cấp ngành nông nghiệp đẩy mạnh việc kết nối tiêu thụ rau ổn định cho bà con, qua đó giúp chúng tôi ổn định cuộc sống”.

Đây cũng chính là khó khăn chung hiện nay của hầu hết các hộ tham gia sản xuất rau muống VietGAP mà các cơ quan quản lý và các cấp chính quyền đang tìm mọi cách để cải thiện. Ngoài ra, phần lớn hộ sản xuất là người nhập cư phải thuê đất để sản xuất nên khó khăn trong việc tuyên truyền vận động hướng dẫn kỹ thuật và chưa hình thành điểm sơ chế để hỗ trợ cho người dân trong việc sơ chế rau.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị,  ông Võ Ngọc Đẹp – PGĐ Trung tâm Khuyến nông cho biết: Hiện nay nhu cầu rau xanh cung cấp cho thành phố rất cao, sản phẩm rau của nông dân TP hiện chỉ cung cấp khoảng 20% so với nhu cầu, còn lại từ các tỉnh đưa về nên tiềm năng thị trường là rất lớn. Xã Nhị Bình là vùng chuyên canh rau muống nước, lượng cung cấp là rất lớn, trong khi đòi hỏi của thị trường thành phố ngày càng cao, người tiêu dùng quan tâm đến chất lượng, đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện các doanh nghiệp thu mua rau VietGAP chưa nhiều nên đề nghị các cấp Hội Nông dân, Phòng Kinh tế địa phương hỗ trợ, kêu gọi các công ty, HTX trên địa bàn ưu tiên mua sản phẩm rau của địa phương; có động thái làm việc với chợ đầu mối ưu tiên các sạp rau có chứng nhận VietGAP, xây dựng phòng sơ chế rau cho các HTX rau trên địa bàn… Từ đó khuyến khích cho bà con nông dân duy trì và phát triển mở rộng diện tích sản xuất VietGAP. Bà con nông dân cũng phải cam kết duy trì sản xuất đúng quy trình theo VietGAP bởi sản xuất an toàn là bài toán lâu dài, sức khỏe con người được đặt lên hàng đầu và cần thành lập thêm các tổ sản xuất để mở rộng quy mô, tăng khả năng cung ứng khi kết nối với các doanh nghiệp. Chất lượng sản phẩm phải ngày càng tốt hơn mới tạo sự tin cậy cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tiêu thụ, tiến tới xây dựng được thương hiệu rau muống an toàn tại xã Nhị Bình.

Nhiều công ty, HTX tham dự cũng đã trao đổi trực tiếp với các hộ nông dân sản xuất để hợp tác tiêu thụ sản phẩm ra thị trường mà không cần thông qua trung gian, từ đó hình thành chuỗi sản xuất – tiêu thụ rau muống nước đạt chuẩn VietGAP trên địa bàn thành phố.

Vân Tâm