Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức chuyến tham quan mô hình sản xuất trái cây theo quy trình VietGAP, GlobalGAP tại 02 tỉnh Bình Dương và Đắk Nông, cho cán bộ kỹ thuật, các nhà vườn trồng cây ăn trái trên địa bàn thành phố, tập trung ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và Cần Giờ. Qua đó, giúp các nhà vườn có cơ hội trao đổi, tiếp cận nhiều kiến thức, kỹ thuật tiên tiến, để áp dụng vào quá trình sản xuất, đạt hiệu quả, nâng cao kinh tế nhà vườn, góp phần đưa ngành nông nghiệp thành phố ngày càng phát triển.

Theo đó, điểm đến đầu tiên của đoàn tham quan là vườn bưởi VietGAP của Trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến, ở ấp Vườn Ươm, xã Tân Định, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Trang trại có trên 18 ha bưởi da xanh, trong đó có 07 ha trồng theo quy trình VietGAP. Theo anh Phạm Văn Đạo, cán bộ kỹ thuật trang trại cho biết, ngoài việc thực hiện đúng theo kỹ thuật sản xuất VietGAP, vườn bưởi Minh Chiến còn sử dụng hệ thống tưới tiêu hiện đại với hệ thống đường ống tỏa khắp diện tích vườn đồi, cùng hệ thống bồn nước 30.000 lít để dẫn nước đến tận từng gốc cây bằng công nghệ tưới xòe, không quay,… Nhớ áp dụng những kỹ thuật tiên tiến đó, vườn bưởi đã tiết kiệm được 2/3 giá trị đầu tư/mùa so với trước đây, tiết kiệm được 2/3 công lao động và năng suất đạt cao hơn rất nhiều, mỗi năm vườn thu nhập khoảng 3 tỷ đồng.

Tiếp theo, đoàn đến tham quan vườn xoài 6.000m2 đang thực hiện theo quy trình VietGAP của hộ anh Đào Văn Vương, xóm 3, thôn Tân Lập, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Theo anh Đinh Văn Hiếu, đại diện gia đình cho biết “Xoài là một trong những cây ăn trái dễ trồng, dễ chăm sóc mà hiệu quả kinh tế khá cao so với nhiều cây trồng khác. Với vườn xoài của gia đình, trung bình mỗi năm đến mùa Tết, giá thu mua tại vườn đạt từ 8.000 - 9.000 đồng/kg. Trong đó, cây to (có độ tuổi từ 5 – 6 năm) đạt năng suất khoảng 200 kg/cây, gia đình thu được gần 2 triệu đồng/cây. Còn cây trung bình (có độ tuồi 3 – 4 năm) đạt năng suất gần 100 kg/cây, doanh thu được gần 01 triệu đồng/cây”.

Cuối cùng, đoàn đã đến tham quan mô hình trồng măng cụt theo tiêu chuẩn GlobalGAP của Trang trại Gia Ân, ở xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Ông Trần Quang Đông - chủ trang trại Gia Ân cho biết, hiện trang trại của ông có 20 ha diện tích cây ăn trái (bơ, sầu riêng, chanh leo,…) trong đó có khoảng 08 ha trồng măng cụt. Vườn măng cụt của ông mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 50 tấn măng cụt sạch. “Cái khó của GlobalGAP không chỉ đòi hỏi về kỹ thuật mà công việc phải được sắp xếp theo một hệ thống bài bản, tỉ mỉ. Từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc cho đến thu hoạch và bảo quản phải được theo dõi, ghi chép một cách cụ thể. Việc ghi chép nhật ký hoạt động chăm sóc vườn cây sẽ bảo đảm cho việc truy tìm nguồn gốc của sản phẩm chính xác nhất”– ông Đông chia sẻ.

Đại diện đoàn tham quan, ông Huỳnh Văn Huệ - Chủ vườn trái cây Hai Huệ, số 19/8, ấp An Hòa, tổ 2, xã Trung An, huyện Củ Chi, Tp.HCM cho biết: “Ông và các nông dân còn lại rất phấn khởi là thành viên của đoàn tham quan do Trung tâm Khuyến nông Tp.HCM tổ chức. Đây là chuyến đi thực tế rất bổ ích, được trực tiếp tham quan các mô hình sản xuất trái cây hiệu quả theo GAP, thuộc 02 tỉnh Bình Dương và Đắk Nông giúp các nhà vườn có cơ hội học tập, chọn lọc cho mình những cách làm hay, phù hợp, hiệu quả. Đồng thời tiếp cận thêm nhiều kiến thức mới về sản xuất GAP để có thể áp dụng trên vườn của mình đạt hiệu quả hơn, qua đó có thể nâng cấp và thực hiện tốt quá trình hình thành chuỗi vườn du lịch sinh thái tại các huyện ngoại thành của thành phố như Củ Chi, Cần Giờ,... Mong rằng thời gian tới Trung tâm Khuyến nông thành phố sẽ có thêm nhiều chuyến đi sát thực như trên, giúp quá trình sản xuất của từng nhà vườn ngày càng hiệu quả hơn”.

M.Hiếu

Trung tâm Khuyến nông TP.HCM