Theo đó, Nhị Bình là một trong những địa phương có diện tích trồng rau muống lớn tại TP. HCM. Tính đến tháng 3/2018, toàn xã có 105 hộ trồng với diện tích 74,5 ha, tập trung tại ấp 1 và ấp 2. Tháng 12/2017, Trạm Khuyến nông huyện Hóc Môn đã triển khai mô hình trình diễn trồng rau muống nước theo quy trình VietGAP, tại xã Nhị Bình với quy mô 17,3 ha/20hộ. Qua gần 04 tháng triển khai, đến nay các hộ tham gia đều ghi nhận hiệu quả tích cực của mô hình đã giúp người trồng thay đổi dần phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch, góp phần thực hiện tốt các chương trình nông nghiệp trọng điểm của thành phố. Kết quả có 06 hộ được cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, các hộ còn lại đang tiến hành lấy mẫu kiểm tra.Về hiệu quả kinh tế, mô hình đạt năng suất khá cao, nếu tính trên 1.000m2 diện tích, mô hình sẽ thu được 1.600 kg rau, sau khi trừ chi phí, mỗi hộ có lợi nhuận khoảng 1,5 triệu đồng/lứa.    

  Trao chứng nhận sản phẩm VietGAP cho các hộ trồng rau muống nước tại xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn

Ông Phạm Văn Công - Tổ trưởng Tổ hợp tác rau muống nước VietGAP xã Nhị Bình cho biết: “Khi mới tham gia mô hình trồng rau muống nước theo quy trình VietGAP do Trạm khuyến nông triển khai, nhiều người vẫn chưa tin tưởng thành công. Nhưng khi bắt tay vào làm, mới thấy hiệu quả thực sự đem lại, đó là năng suất nâng lên, sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; có các đơn vị ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm hằng ngày với giá ổn định”. Ông cho biết thêm: với 1 ha diện tích trồng rau muống nước theo quy trình VietGAP, mỗi năm thu được 10 lứa, sản lượng khoảng 20 tấn/ha/lứa, giá bán trung bình đạt 6.000 đồng/kg.

Được biết, có nhiều hộ trong mô hình nhận được hợp đồng ký kết tiêu thụ sản phẩm từ Công ty Bách hóa xanh và Hợp tác xã Mai Hoa, những hộ còn lại bán sản phẩm tại các chợ đầu mối của thành phố và Bình Dương.

Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn những khó khăn, chia sẻ về điều đó, chị Hoàng Thị Cúc, tổ 4, ấp 1, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn cho biết: “Tham gia mô hình giúp những người trồng rau như chúng tôi tạo thói quen sản xuất sạch, đạt sản phẩm an toàn, giúp người tiêu dùng yên tâm chọn lựa. Nhưng về thị trường tiêu thụ, vẫn có nhiều bấp bênh, sản phẩm rau trồng thông thường lẫn lộn với sản phẩm VietGAP nên người tiêu dùng chưa có sự phân biệt rõ ràng để đánh giá đúng chất lượng, giá cả sản phẩm VietGAP”. Vì thế, chị Cúc đề xuất ý kiến, mong các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân có thị trường tiêu thụ đúng chất lượng, để người dân yên tâm sản xuất.

Bà Đặng Thị Nha, Trưởng phòng kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đánh giá: “Từ việc ban đầu còn chần chừ làm nông nghiệp sạch, đến nay bà con nông dân trồng rau muống nước ở địa phương đã bỏ dần thói quen trồng rau muống kiểu cũ và từng bước có quy trình sản xuất an toàn theo VietGAP, từ đó đã dần hình thành khu vực sản xuất rau muống nước tập trung tại xã Nhị Bình – Hóc Môn, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đây là hướng đi tất yếu khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe về sản phẩm sạch. Về thị trường tiêu thụ, hiện Sở Nông nghiệp và PTNT TP.HCM đang tích cực triển khai nhiều chương trình, hội chợ nông nghiệp an toàn trên địa bàn thành phố, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các hộ nên chú ý ghi chép sổ sách chính xác, đầy đủ, góp phần đạt kết quả tốt nhất, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản xuất an toàn luôn là bài toán lâu dài và là sự tin cậy bền vững cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tiêu thụ, nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu rau muống sạch xã Nhị Bình nói riêng và huyện Hóc Môn nói chung”.

M.Hiếu