Nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, áp dụng đồng bộ cơ giới đồng bộ trong sản xuất lúa, giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, hạn chế ô nhiễm môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh xây dựng mô hình trình diễn “Mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón thông minh chậm tan” tại xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

Mô hình ứng dụng máy sạ lúa theo khóm (sạ cụm), sử dụng phân bón thông minh chậm tan Rynan, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước ngập – khô xen kẽ, tạo ra ruộng lúa sạ theo hàng, theo khóm như ruộng lúa cấy, từ đó cây lúa phát triển tốt, tỷ lệ chồi hữu hiệu cao, tỷ lệ hạt chắc/bông cao, lúa ít bị sâu bệnh hại, lúa trong mô hình không bị đỗ ngã, giảm chi phí, năng suất tăng, lợi nhuận tăng.

Các đại biểu tham quan, đánh giá năng suất mô hình

 

Sau gần 4 tháng triện khai thực hiện mô hình, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh tổ chức hội thảo tổng kết nhằm đánh giá kinh tế và tác động môi trường làm cơ sở nhân rộng trong thời gian tới tại các địa phương sản xuất lúa. Tại buổi hội thảo, các đại biểu được tham quan đánh giá ruộng mô hình trình diễn; đại diện hộ thực hiện và cán bộ kỹ thuật phụ trách hướng dẫn kỹ thuật báo cáo kết quả thực hiện mô hình trình diễn. Theo đó, mô hình sử dụng máy sạ lúa theo khóm với lượng giống 50-70 kg/ha, sử dụng phân thông minh chậm tan có kiểm soát nên bón phân 1 lần/vụ (so với phân thông thường bón 3-4 lần) ngay trước thời điểm gieo sạ phân sẽ tan theo giai đoạn phát triển của cây lúa nên giảm lượng phân bón 20-25%, giảm chi phí bơm tát nước, giảm 1-2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Năng suất lúa trong mô hình sử dụng phân bón thông minh chậm tan, sạ khóm  đạt 7,4 tấn/ha so với ruộng sử dụng phân bón vô cơ thông thường (đối chứng) đạt 6,1 tấn/ha. Lợi nhuận sản xuất lúa sạ theo khóm trong mô hình sử dụng phân bón thông minh chậm tan đạt 15 triệu đồng/ha, cao hơn 10 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa sử dụng phân bón vô cơ thông thường.

Các đại biểu tham dự hội thảo đều đánh giá rất cao mô hình: giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm công lao động (gieo sạ, bón phân, phun thuốc), giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu như hiện nay, năng suất tăng và đề xuất nhân mô hình áp dụng rộng rãi vào sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Trương Văn Thương

Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh