Chính vì vậy năm 2011, Đảng bộ huyện Trấn Yên đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về trồng và chế biến gỗ rừng trồng. Với nhiều giải pháp, công tác phát triển kinh tế rừng của Trấn Yên đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Những vạt rừng trước kia chỉ có chè vè, lau lách nay được thay bằng một màu xanh bạt ngàn của cây keo, quế, bồ đề.

Bình quân mỗi năm toàn huyện trồng mới, trồng thay thế trên 2.500 ha rừng các loại với cơ cấu giống cây trồng chủ yếu là keo lai, keo tai tượng, quế, tre Bát Độ... Đến nay, Trấn Yên đã hình thành được vùng nguyên liệu cây nguyên liệu giấy gần 25.000 ha; quế hơn 8.000ha; tre măng Bát Độ hơn 2.000ha.

Rừng quế 10 năm tuổi tại Yên Bái (Ảnh: Hoàng Thị Hiền)

Trong trồng rừng, nhân dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu trồng đúng mật độ, chăm sóc, bón phân cho cây trồng, do đó hiệu quả rừng trồng tăng rõ rệt. Đến nay, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng của huyện Trấn Yên đạt trên 85.000m3; sản lượng măng Bát Độ đạt gần 20.000 tấn, sản lượng khai thác vỏ quế khô đạt gần 3.000 tấn. Thu nhập từ rừng đã làm thay đổi hẳn cuộc sống của người dân, nhiều hộ khó khăn đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Năm 2015 vừa qua, nhân dân trên địa bàn huyện Trấn Yên trồng mới, trồng thay thế được trên 2.000 ha rừng tập trung, đạt trên 111% kế hoạch năm và trồng được trên 1 triệu cây phân tán. Cùng với trồng rừng đại trà, năm nay, huyện Trấn Yên được tham gia Dự án Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn với quy mô 50 ha tại các xã Việt Cường, Đào Thịnh, Hồng Ca, Nga Quán, Y Can.

Các hộ tham gia dự án trồng rừng thâm canh gỗ lớn được Nhà nước hỗ trợ giống keo lai, keo tai tượng và một phần phân bón. Các bước trồng đều được giám sát thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, từ việc cấp cây giống, cách bón phân và chăm sóc cây. Gia đình chị Phạm Thị Khuyên ở thôn Hồng Hà, xã Nga Quán là một trong những hộ tham gia mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Chị đã thuê lao động phá bỏ toàn bộ diện tích cọ, hóp của gia đình để trồng 3 ha keo lai. Mặc dù chỉ được Nhà nước hỗ trợ một phần, nhưng chị Khuyên hy vọng sau này, 3 ha rừng trồng trong năm 2015 sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với những diện tích rừng mà chị đã trồng trước đây không thâm canh.

Xã Đào Thịnh hiện có trên 700ha rừng kinh tế. Nhờ biết phát huy tiềm năng, lợi thế đó mà nhiều năm nay rừng đã góp phần rất lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã. Nhờ rừng mà nhiều hộ gia đình không chỉ thoát nghèo mà đang từng bước vươn lên có đời sống khá giàu với thu nhập từ 50 đến gần 200 trăm triệu đồng mỗi năm.

Năm 1987, gia đình ông Phạm Văn Kiệm đến lập nghiệp ở thôn 6, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên. Khi đó nơi này còn rất hoang vu, rậm rạp, chỉ toàn chè vè, lau lách. Bằng sức lao động của mình, ông và gia đình cần mẫn khai hoang, biến đất sỏi thành rừng trồng quế, thành ao nuôi cá, thành ruộng cấy lúa. Không phụ công ông, sau nhiều năm chăm chỉ lao động với quyết tâm xóa nghèo, đến nay gia đình ông Kiệm đã có gần 2 ha quế, trong đó nhiều diện tích đã được thu hoạch bằng cách tỉa thưa. Trong số gần 2 ha quế của gia đình ông có 1.000 cây quế 13 năm tuổi này trị giá trên 1 tỷ đồng tính theo giá tại thời điểm này.

Ông Kiệm cho biết: Trong trồng rừng, không có loại cây nào có giá trị kinh tế cao bằng cây quế. Vì vậy mà gia đình ông đã đưa cây quế vào trồng ngay từ những ngày đầu khi mới đến Đào Thịnh lập nghiệp. Ngoài trồng rừng, ông còn có hơn 1 ha chè, trong đó có 5 sào chè Bát Tiên. Ông Kiệm còn có 5 chiếc ao thả cá rộng khoảng 5 sào. Ông cũng chăn nuôi thêm gà, vịt và nuôi ong lấy mật. Bình quân một năm tổng thu nhập của gia đình ông đạt khoảng 150 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí ông còn có lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Mô hình trồng rừng gỗ lớn là một trong những giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sản phẩm gỗ chế biến từ rừng trồng, tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu và góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người trồng rừng.. Đây là mô hình mới tại huyện Trấn Yên nhằm từng bước góp phần thay đổi tập quán trồng rừng của người dân, từ trồng rừng dựa vào điều kiện tự nhiên, sản xuất theo phương thức quảng canh sang sản xuất thâm canh, góp phần nâng cao năng xuất, chất lượng rừng trồng, cải tạo rừng một cách bền vững và rút ngắn chu kỳ sản xuất...

Bên cạnh đó, Dự án cũng tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, góp phần ổn định xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn miền núi theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước./.

Bạch Liên