Trong những năm gần đây, trên cơ sở xác định vai trò của ngành nông nghiệp, huyện Lạc Thủy đã phát huy mọi nguồn lực chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Trên diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, các loại cây trồng có năng suất, giá trị kinh tế cao được lựa chọn trồng thay thế như rau và cây ăn quả, đặc biệt là cây ăn quả có múi đã phát huy lợi thế. 

Bên cạnh đó, phát huy tiềm năng thế mạnh về điều kiện đất đai, khí hậu, cùng với sự ủng hộ của các cấp, ngành, huyện LạcThủy từng bước phát triển cây dược liệu. Từ năm 2015, huyện triển khai dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh “Trồng thử nghiệm một số loại dược liệu tại huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình” trên diện tích 5.400 m2 tại thôn Đồng Huống, xã Liên Hòa với 10 loại cây dược liệu: hồng sâm, đẳng sâm, đương quy, đinh lăng, xạ đen, hoài sơn, huyết đằng, hà thủ ô, ba kích tím và đơn lá đỏ. Đây là hướng đi mới nhằm tìm ra loài cây dược liệu có khả năng sinh trưởng và phát triển phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương, giúp nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác; từng bước tạo vùng nguyên liệu, dược liệu phục vụ đời sống, góp phần xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế.

Góc vườn trồng thử nghiệm một số loại dược liệu tại thôn Đồng Huống, xã Liên Hòa

Sau 02 năm triển khai thực hiện, kết quả bước đầu có 7/10 loài cây dược liệu được đánh giá là thích nghi với điều kiện tự nhiên tại vùng trồng, cây sinh trưởng và phát triển tốt, đó là: đinh lăng, xạ đen, hoài sơn, huyết đằng, hà thủ ô đỏ, ba kích tím và đơn lá đỏ. Tỷ lệ sống trung bình đạt từ 78% trở lên. Đánh giá phân tích biệt dược, 7 loại cây dược liệu trồng trên địa bàn xã Liên Hòa, huyện Lạc Thủy đều được Viện dược liệu đánh giá đạt theo tiêu chuẩn.

Năng suất của từng loại cây như sau:

Cây đinh lăng năng suất tươi ước đạt: 19,84 tấn/ha, năng suất khô ước đạt: 5,95 tấn/ha; Giá bán trung bình trên thị trường: 108.000 đồng/kg khô; Giá trị sản lượng ước đạt: 642.816.000 đồng/ha.

Cây hoài sơn năng suất tươi ước đạt: 22,55 tấn/ha, năng suất khô ước đạt 5,86 tấn/ha; Giá bán trung bình trên thị trường: 85.000 đồng/kg khô; Giá trị sản lượng ước đạt: 498.355.000 đồng/ha.

Cây xạ đen năng suất tươi ước đạt: 21,85 tấn/ha, năng suất khô ước đạt 5,03 tấn/ha. Giá bán trung bình trên thị trường: 45.000 đồng/kg khô. Giá trị sản lượng ước đạt: 226.147.500 đồng/ha.

Cây ba kích tím năng suất tươi ước đạt: 31,93 tấn/ha, năng suất khô ước đạt 9,58 tấn/ha; Giá bán trung bình trên thị trường: 130.000 đồng/kg khô; Giá trị sản lượng ước đạt: 1.245.270.000 đồng/ha.

Cây huyết đằng năng suất tươi ước đạt: 18,79 tấn/ha, năng suất khô ước đạt 8,83 tấn/ha; Giá bán trung bình trên thị trường: 37.000 đồng/kg khô; Giá trị sản lượng ước đạt: 326.723.320 đồng/ha.

 Cây hà thủ ô đỏ năng suất tươi ước đạt: 11,44 tấn/ha, năng suất khô ước đạt 5,72 tấn/ha; Giá bán trung bình trên thị trường: 103.000 đồng/kg khô; Giá trị sản lượng ước đạt: 589.160.000 đồng/ha.

Cây đơn lá đỏ năng suất tươi ước đạt: 45,98 tấn/ha, năng suất khô ước đạt 9,2 tấn/ha; Giá bán trung bình trên thị trường: 42.000 đồng/kg khô; Giá trị sản lượng ước đạt: 386.232.000 đồng/ha.

So sánh với trồng lúa, ngô (lợi nhuận trung bình năm 40 triệu đồng/ha/năm) thì trồng cây dược liệu có giá trị tăng gấp khoảng 3,0 lần/năm.

Các hộ dân tham gia mô hình chia sẻ, do đây là mô hình mới nên ban đầu gặp khó khăn trong khâu trồng và chăm sóc. Nhưng được sự hướng dẫn tận tình về kỹ thuật trồng và chăm sóc của cán bộ kỹ thuật nên mô hình trồng cây dược liệu phát triển tương đối tốt, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Đến thời điểm này có thể khẳng định mô hình trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện bước đầu đã thành công. Trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các hộ tham gia thực hiện mô hình chăm sóc các cây trồng dược liệu cho tới khi được thu hoạch; tiến tới nhân rộng diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện.

Mô hình trồng cây dược liệu hiện còn rất mới đối với người dân trên địa bàn huyện Lạc Thủy. Mô hình này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có giá trị về mặt y dược. Với việc trồng thử nghiệm thành công các cây dược liệu này sẽ giúp người nông dân trên địa bàn huyện tiếp cận với các cây trồng có giá trị dược liệu kinh tế cao; đồng thời yên tâm mở rộng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập đời sống./.

Ngọ Đình Tâm

Phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy, Hòa Bình