Chăn nuôi lợn rừng lai tại Trạm Giống Vật tư Nông nghiệp huyện Hàm Yên

Sau 2 năm thực hiện, dự án bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, mở ra triển vọng mới cho người chăn nuôi. Trong quá trình thực hiện dự án, Trạm Giống vật tư nông nghiệp huyện Hàm Yên đã làm tốt việc điều tra khảo sát, thiết kế trang trại chăn nuôi lợn rừng lai tập trung sử dụng đệm lót sinh học; thực hiện công nghệ chế biến thức ăn, vệ sinh thú y, phòng trừ dịch bệnh, đồng thời tổ chức 4 lớp tập huấn chăn nuôi lợn rừng lai sinh sản, chăn nuôi lợn rừng lai giai đoạn sau cai sữa, chăn nuôi lợn rừng lai thương phẩm, phòng và trị bệnh cho lợn rừng lai sinh sản, nuôi thịt cho hơn 120 lượt nông dân tham gia.  

Anh Hoàng Văn Đông, cán bộ Trạm Giống vật tư nông nghiệp Hàm Yên, Chủ nhiệm dự án cho biết, thức ăn của lợn rừng lai chủ yếu là cây chuối xay nhỏ, cám ngô và thức ăn xanh theo công thức, định mức khác nhau ở các giai đoạn phát triển của từng loại lợn và chiếm khoảng 20% - 30% tổng tiền đầu tư, trong khi đó tổng tiền đầu tư thức ăn chăn nuôi đến khi xuất bán của chăn nuôi lợn phổ thông chiếm khoảng 60% - 70%. So sánh giá trị kinh tế từ chăn nuôi lợn rừng lai và chăn nuôi lợn phổ thông tại địa phương thì 20 kg lợn rừng lai trị giá bằng khoảng 60 kg lợn phổ thông bán cùng thời điểm. Đặc biệt, lợn rừng lai có sức đề kháng cao hơn rất nhiều so với giống lợn lai nên ít bị dịch bệnh và sản phẩm đã được khách hàng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng. Bình quân mỗi năm Trạm Giống vật tư nông nghiệp huyện Hàm Yên sản xuất được hơn 150 con lợn giống, hơn 350 con lợn thương phẩm, trọng lượng khi xuất chuồng đạt trên 40 kg/con, giá trị gần 2 tỷ đồng.

Dự án bước đầu đã có những kết quả đáng kể, đã tạo ra một hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn vùng núi, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo ra hệ sinh thái bền vững trong phát triển chăn nuôi, phù hợp với xu thế phát triển thực phẩm sạch, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời còn tạo việc làm, khuyến khích người nông dân chủ động tận dụng đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với phát triển chăn nuôi lợn rừng lai, tạo ra hướng sản xuất hàng hóa ổn định bền vững, tăng thu nhập, góp phần cải thiện nâng cao đời sống.

Tuy nhiên, để tạo ra hướng sản xuất hàng hóa ổn định bền vững, tăng thu nhập, góp phần cải thiện nâng cao đời sống cho nhân dân, đòi hỏi mỗi người chăn nuôi lợn rừng lai thương phẩm phải tận dụng được nguồn thức ăn xanh và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình lai tạo, các khâu chăm sóc cho lợn đúng theo đặc tính hoang dã của lợn rừng, coi trọng chất lượng thịt hơn số lượng, từng bước ổn định giá cả, mở rộng thị trường tiêu thụ./.  

Vũ Ngọc Tuyên 

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang