Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang bàn giao lợn đực giống cho các hộ chăn nuôi theo dự án

Vài năm trở lại đây, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có bước phát triển nhanh, số lượng hộ chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại liên tục tăng. Tuy nhiên, do chưa có trung tâm giống hay doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất giống vật nuôi cung ứng cho các hộ chăn nuôi, nên chất lượng đàn chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi chủ yếu vẫn mua giống tự do hoặc lựa chọn con giống tốt từ chính quá trình nhân đàn của gia đình.

Từ tháng 3/2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện Dự án "Mô hình áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP trong nông hộ" tại 3 xã Đội Bình, Xuân Vân, Phúc Ninh (huyện Yên Sơn). Mục tiêu của dự án, bên cạnh việc hỗ trợ lợn đực giống cho các hộ chăn nuôi, là phát triển đồng thời mạng lưới thú y cộng đồng, hướng dẫn hộ chăn nuôi theo hướng VietGAHP, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Qua rà soát, dự án đã lựa chọn được 4 hộ có nhu cầu chăn nuôi lợn đực giống thụ tinh nhân tạo tại 3 xã Đội Bình, Phúc Ninh, Xuân Vân, quy mô đàn lợn đực giống của mỗi hộ trước khi tham gia mô hình đã có từ 1-2 con/hộ nuôi cho nhảy giống trực tiếp. Con giống được lựa chọn thay thế là giống Landrace x Yorshire, nhằm tăng tỷ lệ sống của lợn con cho các đàn lợn nái, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi lợn.

Ông Nguyễn Văn Luyện, thôn Hòa Bình, xã Đội Bình được hỗ trợ 2 con lợn đực giống cho biết, lợn đực giống được hỗ trợ có cân nặng trên 91 kg/con. Nếu so với con giống trước đây, thì chất lượng đàn con sinh ra tốt hơn, 1 lần khai thác có thể phối giống cho từ 10-15 con nái, làm giảm chi phí lấy giống cho con nái. Bên cạnh được hỗ trợ lợn đực giống, gia đình cũng được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách ghi chép sổ sách theo dõi, qua đó giám sát được thời gian nuôi, mua bán giống, lượng thức ăn tiêu tốn, thời gian phòng bệnh bằng hóa chất, vắc-xin, các bệnh gặp phải và sử dụng thuốc trong điều trị bệnh. Theo ông Luyện, đây là hình thức mới đối với các hộ chăn nuôi, từ đó có số liệu tính toán cho mỗi đợt nuôi, hạch toán chăn nuôi; lập kế hoạch và chủ động hơn cho các lứa nuôi tiếp theo.

Theo anh Lê Hải Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, thực tế cho thấy, việc chăn nuôi theo mạng lưới thú y cộng đồng là xu hướng tất yếu trong thời gian tới bởi việc phòng bệnh không chỉ một nhà làm tốt mà phải có sự tham gia của cả cộng đồng, khu vực tạo ra mạng lưới an toàn về dịch bệnh từ đó sẽ nâng được quy mô đàn, mức độ đầu tư và lợi nhuận cho người dân. Theo thống kê, tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện có trên 600 nghìn con, tuy nhiên, số lượng hộ áp dụng các tiêu chuẩn chăn nuôi theo hướng VietGAHP còn khá ít. Nguyên nhân một phần do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại chăn nuôi chưa đảm bảo, một phần do công tác tuyên truyền về hình thức này còn ít.

Trong thời gian 10 tháng, tại 3 xã này Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang đã chọn được 250 hộ/3.860 con lợn tham gia mạng lưới thú y cộng đồng. Quy mô chăn nuôi lợn của các hộ tham gia mạng lưới thú y cộng đồng từ 5 - 100 con, các hộ đều có chuồng trại chăn nuôi đáp ứng yêu cầu của mô hình. Các hộ chăn nuôi lợn tham gia mạng lưới thú y cộng đồng đã thực hiện tốt việc phòng bệnh cho đàn lợn bằng việc phun hóa chất sát trùng, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại định kỳ.

Sau 10 tháng, lợi nhuận thu được từ lợn đực giống khai thác tinh nhân tạo là 22,6 triệu đồng, cao hơn so với trước đây 8 triệu đồng; lợn thịt nuôi theo hướng VietGAHP cho cho nhập cao hơn chăn nuôi thường 123 nghìn đồng/con. Theo Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang, kết quả này là điều kiện quan trọng để đơn vị tiếp tục nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương khác, góp phần nâng cao giá trị ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Vũ Ngọc Tuyên

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang