Ủ rơm bằng urê cho phép bảo quản rơm không bị mốc, làm tăng hàm lượng protein thô, tăng tỷ lệ tiêu hóa, giúp bò ăn được nhiều hơn và cho năng suất cao hơn so với cho ăn rơm không xử lý. Việc bảo quản rơm rất đơn giản, dễ làm, phù hợp với trình độ của người nông dân.

Trước đây, phần lớn rơm rạ sau thu hoạch bị đốt bỏ nhưng sau khi có mô hình chế biến thành thức ăn chăn nuôi, người dân đã có ý thức thu gom, vệ sinh đồng ruộng, tình trạng đốt rơm gây ô nhiễm môi trường giảm đáng kể. Theo ông Nguyễn Văn Đá , ấp Vĩnh Khánh 1, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cho biết: Trong năm 2017, tôi có tham gia thực hiện mô hình ủ rơm với urê làm thức ăn chăn nuôi. Lúc đầu người dân chúng tôi rất e ngại vì phương pháp này tuy đã nghe qua nhưng chưa ai từng thực hiện, không biết có hiệu quả không. Tuy nhiên, khi thực hiện mô hình, kết quả cho thấy ủ rơm với urê có rất nhiều lợi ích: thứ nhất, có thể ủ rơm ngay khi rơm còn tươi, không phải phơi khô, đây là điểm bà con rất thích; thứ 2: rơm ủ vàng tươi, vì có xử lý với rỉ mật, muối, nên mùi rất dễ chịu, lại mềm,bò rất thích ăn, lượng tiêu thụ nhiều; thứ 3: phương pháp ủ nguyên cuộn rơm đơn giản, dễ làm và hết sức thuận tiện cho người chăn nuôi. Chính những ưu điểm này, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người chăn nuôi. Qua một năm thực hiện, tôi thấy đây là mô hình rất có lợi cho người chăn nuôi, chúng ta có thể chủ động được nguồn thức ăn cho bò, tiết kiệm được thời gian để làm các công việc khác, không cần phải lo kiếm thức ăn trong các ngày mưa, bão; mô hình cần nhân rộng cho các hộ chăn nuôi.

Ủ rơm bằng urê đơn giản, dễ làm, thuận tiện cho người chăn nuôi

Hiện nay, ở địa bàn xã Vĩnh Xuân, mô hình chăn nuôi bò phát triển rất nhanh. Với hơn 3.500 con bò, nhu cầu sử dụng thức ăn rất lớn, nhất là trong mùa mưa. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, người chăn nuôi còn gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu thức ăn do diện tích đồng cỏ bị thu hẹp. Chính vì vậy, việc nhân rộng mô hình chế biến, bảo quản rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi gia súc có ý nghĩa rất quan trọng. Ông Võ Văn Đăng, ấp Vĩnh Khánh 1, xã Vĩnh Xuân nhận định, kỹ thuật  ủ rơm tươi bằng urê cho phép bảo quản được rơm tươi không bị mốc, không bị tổn thất chất hữu cơ, đồng thời làm tăng hàm lượng protein thô, tăng tỷ lệ tiêu hóa và cho phép bò ăn được nhiều rơm hơn, năng suất chăn nuôi cao hơn. Đặc biệt, phương pháp xử lý và bảo quản rơm tươi bằng urê có thể được áp dụng cho nông dân và các trang trại chăn nuôi trâu, bò với số lượng lớn. Qua đó, tạo điều kiện để phát triển đàn bò trong các hộ chăn nuôi, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu thịt bò chất lượng cao cho người tiêu dùng.

Trong tình hình nguồn thức ăn không ổn định, mùa thì dư thừa, mùa lại thiếu, thêm giá thành chăn nuôi cũng gặp nhiều khó khăn, việc tận dụng hiệu quả các nguồn phụ phế phẩm là hết sức quan trọng. Trong đó, rơm gần như là nguồn thức ăn thô không thể thiếu và hầu như 100% hộ chăn nuôi đại gia súc đều sử dụng, chính vì vậy, nếu áp dụng phương pháp xử lý để nâng cao hiệu quả sử dụng, từ đó nâng cao lợi nhuận là điều người chăn nuôi cần quan tâm. 

                                Nguyễn Văn Bình

Trạm Khuyến nông Trà Ôn – tỉnh Vĩnh Long