Sau khi triển khai dự án nông dân vô cùng phấn khởi, đồng tình và ủng hộ. Dự án thực hiện từ năm 2015, đến nay đã xây dựng được 3 mô hình trồng cây ăn trái đặc sản đạt chứng nhận VietGAP:

          - Mô hình trồng xoài Xiêm Núm ở xã Quới An, Trung Chánh với diện tích 46,77 ha, có 80 hộ tham gia. Mô hình trồng xoài Cát Chu và Xiêm Núm ở xã Quới Thiện với diện tích 40,13ha, có 74 hộ tham gia.

- Mô hình sản xuất sầu riêng với diện tích 25,3ha, có 42 hộ tham gia, do UBND xã Thanh Bình phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện.

          - Tháng 1/2018, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 6 ở Cần thơ đã  đánh giá kết quả đạt chứng nhận VietGAP trên cây bưởi da xanh với diện tích 69,2 ha, 140 hộ tham gia. Được biết trong năm 2018, Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long sẽ thực hiện chứng nhận VietGAP trên cây bưởi ở 4 xã: Trung Chánh, Quới An, thị trấn Vũng Liêm, Trung Thành Tây.

Sau khi được chứng nhận VietGAP, mô hình đã có những chuyển biến tích cực :

Đối với bưởi da xanh,  giá bán trung bình ở mức 40.000 - 50.000 đồng/kg, loại 1 kg trở lên. Nhà vườn tự làm thương lái, không lo bị ép giá, mang thu nhập cao cho gia đình.

Đối với sầu riêng, năng suất khoảng 1,2- 1,5 tấn/1.000 m2/năm, chất lượng trái nâng lên, giá bán trung bình từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, tháng 3/2018, giá bán sầu riêng tại vườn là 90.000 -100.000 đồng/kg, đem lại thu nhập ổn định cho các nhà vườn.

Tham gia chương trình sản xuất theo tiêu chí GAP, kỹ thuật canh tác, tư duy kinh tế của nông dân được nâng lên. Các hộ có tinh thần đoàn kết, giúp nhau sản xuất, phát triển kinh tế, từ đó có nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.

Các hộ có ý thức tốt trong bảo vệ môi trường, việc vứt bỏ bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ra môi trường không còn nữa. Các hộ có ý thức thu gom lại và bỏ vào hố rác BVTV do xã đầu tư. Có ý thức ghi chép nhật ký sản xuất để biết được chi phí sản xuất cũng như lợi nhuận của từng vụ trái cây. Thông qua nhật ký sản xuất nông dân đúc kết được kinh nghiệm sản xuất từ khâu xử lý ra hoa, bón phân, quản lý sâu bệnh hại, sử dụng thuốc BVTV an toàn để cho giá trị kinh tế cao nhất.

Hiện nay Vũng Liêm có 3 hợp tác xã (HTX) sản xuất cây ăn trái. Các HTX đã lên kế hoạch sản xuất rải vụ để có đủ sản phẩm cung ứng ra thị trường. Một số cây ăn trái sản xuất rải vụ cho hiệu quả kinh tế cao như  bưởi da xanh, sầu riêng, xoài.

 Ông Nguyễn Văn Linh, Chủ nhiệm HTX Xoài Xiêm Núm cho biết: Các xã viên của HTX rất phấn khởi với việc sản xuất trái cây VietGAP. Mỗi năm HTX sản xuất được khoảng 100 tấn trái ngon, giá bán rất cao. Trong đó có xoài Xiêm Núm được xuất sang Hàn Quốc,  góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu trái cây Việt Nam trên trường quốc tế.

Giá trị của VietGAP được người tiêu dùng trong và ngoài nước tín nhiệm, vì thế ở Vũng Liêm ngày càng có nhiều nhà vườn tham gia sản xuất. Đến nay, huyện Vũng Liêm có gần 182 ha được chứng nhận VietGAP, với gần 340 nhà vườn tham gia.

Trong xu thế hội nhập kinh tế hiện nay, việc sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi tất yếu và bền vững. Vì vậy các mô hình này cần được nhân rộng. Đồng thời  cần có chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu cho cây ăn trái trong thời gian tới.

                                                                                       Lê Dung

                                                                         Trạm BVTV Vũng Liêm