Huyện Văn Yên (Yên Bái) có diện tích lúa hàng năm đạt khoảng 5.970 ha, trong đó lúa lai chiếm 56,2%, lúa thuần chiếm 43,8%, năng suất bình quân 54,4 tạ/ha. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất một số giống lúa thuần thâm canh lâu năm, có chiều hướng giảm năng suất, dễ nhiễm một số loại sâu bệnh hại, trong đó có bệnh bạc lá làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Chính vì thế việc lựa chọn được những giống lúa có khả năng kháng được bệnh bạc lá, cho năng suất và chất lượng cao là vấn đề rất cấp thiết.

Vụ Xuân năm 2021, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ PTNN huyện Văn Yên phối hợp với tập đoàn Thái Bình Seed xây dựng mô hình khảo nghiệm giống lúa thuần Bắc Thơm 7 (có gen kháng bạc lá) ở thôn Gốc Nhội, xã Yên Thái với diện tích 01 ha tại xã Yên Thái. Đây là giống lúa được áp dụng phương pháp lai Backcross chuyển gen kháng bạc lá đáp ứng được mục tiêu chọn tạo về năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu bệnh bạc lá tốt, có thời gian sinh trưởng vụ xuân 125-135 ngày và đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận cho phép sản xuất thử.

Để mô hình được triển khai có hiệu quả, Trung tâm Dịch, vụ Hỗ trợ PTNN huyện Văn Yên đã phối hợp với xã Yên Thái lựa chọn những hộ có địa điểm và diện tích canh tác phù hợp với yêu cầu của mô hình. Trung tâm còn cử cán bộ kỹ thuật theo sát quá trình sản xuất, hướng dẫn các hộ tham gia mô hình từ kỹ thuật gieo cấy, cách bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho các hộ tham gia. Mô hình khảo nghiệm được tiến hành theo phương pháp trình diễn sản xuất diện rộng, không bố trí nhắc lại. Ruộng đối chứng là giống lúa Bắc Thơm 7, các điều kiện về đất đai, thời vụ canh tác, phân bón giống nhau.

Từ thực tế triển khai mô hình khảo nghiệm cho thấy, các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của giống lúa Bắc Thơm 7 (có gen kháng bạc lá) có khả năng thích nghi tốt: Cây lúa có khóm gọn, cứng cây, bộ lá đứng, độ đồng đều cao... Về khả năng chống chịu các loại sâu bệnh trong điều kiện vụ xuân 2021 ở mức nhẹ, không bị nhiễm bệnh bạc lá, năng suất lúa đạt 58,2 tạ/ha (điển hình có hộ thâm canh tốt năng suất đạt 61,1 tạ/ha). Qua đó cho thấy năng suất cao hơn giống Bắc Thơm 7 đối chứng là 4,2 tạ/ha. Hiệu quả kinh tế cho 01 ha sau khi trừ chi phí là 30 triệu đồng.     

Các đại biểu tham quan mô hình tại xã Yên Thái

 

Ông Nguyễn Văn Cường, thôn Gốc Nhội chia sẻ: “Nhà tôi có 04 sào lúa, hàng năm gia đình tôi thường sử dụng giống lúa Thái Bình hoặc Bắc Thơm 7 cho năng suất từ 52 - 54 tạ/ha. Vụ xuân 2021, gia đình tôi được tham gia mô hình khảo nghiệm giống lúa Bắc Thơm 7 (có gen kháng bạc lá). Tôi thấy giống lúa này đẻ nhánh đều, bông vàng sáng, khoe bông, ít sâu bệnh mà năng suất cao hơn đạt tới 61,1 tạ/ha.  Nếu so về hiệu quả kinh tế thì cao hơn lúa thuần vụ trước của gia đình tôi hơn 7,1 triệu đồng/ha. Hạt gạo thì nhỏ, thon, cơm ngon, dẻo, đúng với thị hiếu người dân quê tôi nên dễ bán. Vụ mùa 2021 gia đình tôi vẫn muốn được tiếp tục gieo cấy giống lúa này.”

Các hộ tham gia mô hình đều rất phấn khởi vì hiện nay nhu cầu lúa thuần chất lượng trong dân và ngoài thị trường rất cao, nhưng trong sản xuất lúa chất lượng thường hay nhiễm sâu bệnh trong đó đặc biệt là bạc lá. Vì vậy việc tìm ra giống lúa chất lượng Bắc Thơm 7 (có gen kháng bạc lá) cho năng suất chất lượng cao, đã giải quyết được mong muốn cấp thiết của người nông dân trên địa bàn huyện Văn Yên.

Việc khảo nghiệm thành công giống lúa Bắc Thơm 7 (có gen kháng bạc lá) tạo ra triển vọng có thêm bộ giống lúa bổ sung vào cơ cấu giống của huyện, với ưu điểm kháng được bệnh bạc lá, một số sâu bệnh khác nhiễm ở mức độ nhẹ, giúp hạn chế hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Vụ Mùa 2021, từ hiệu quả đạt được của mô hình khảo nghiệm tại xã Yên Thái, UBND huyện đã phối với Tập đoàn Thái Bình Seed tiếp tục sản xuất khảo nghiệm nhân rộng giống lúa Bắc Thơm 7 (có gen kháng bạc lá) tại các xã An Thịnh, Đại Phác, Yên Phú, với diện tích 10 ha để đánh giá khả năng thích nghi cũng như việc kháng bệnh, năng suất của giống trên các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau làm cơ sở dần thay thế một số giống lúa thuần đã thoái hóa trên địa bàn huyện, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích./.

Nguyễn Thanh Huyền

Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ PTNN huyện Văn Yên, Yên Bái