Tại tỉnh Quảng Bình, hết mùa mưa năm 2014, ở hầu hết các địa phương có tổng lượng mưa, dòng chảy sông, suối bị thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, nhiều hồ chứa không đủ dung tích thiết kế. Do đó, công tác phòng, chống hạn cho cây trồng, đặc biệt trong vụ hè - thu là việc làm cần được tăng cường thực hiện.

Theo kết quả khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh, các hồ chứa nước do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và các hồ đập do địa phương quản lý đa số đều bị thiếu nước, dung tích đạt từ 60-70% dung tích thiết kế.

Người dân huyện Bố Trạch nạo vét, tu sữa hệ thống kênh mương nội đồng

Trước tình trạng thiếu nước, khô hạn xảy ra ở mức độ nghiêm trọng trên diện rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động triển khai các biện pháp chống hạn hán ngay từ đầu vụ sản xuất. Đối với các hồ đập do các địa phương quản lý, Sở yêu cầu chủ động kiểm tra, cân đối nguồn nước hiện có tại các hồ chứa thủy lợi, các ao đầm tự nhiên, để chủ động bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên nước cấp sinh hoạt của nhân dân. Xây dựng phương án cấp nước sinh hoạt cụ thể đối với từng vùng; đặc biệt chú trọng đến các vùng khó khăn (miền núi, ven biển) để phục vụ đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, các địa phương cần coi trọng công tác quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, mất nước các hồ chứa; lập kế hoạch dùng nước, lịch tưới, mức tưới hợp lý của từng đợt theo các kỳ sinh trưởng của cây trồng. UBND các xã, phường phải rà soát lại diện tích lúa ở những vùng địa hình chân ruộng cao, có nguy cơ thiếu nước chuyển đổi sang gieo trồng các giống cây trồng phù hợp, chịu hạn hoặc chuyển sang trồng màu (khoai, ngô, đậu, cỏ chăn nuôi...), kiên quyết không bỏ ruộng hoang. Đối với diện tích cân đối đủ nước hoặc thiếu một phần, các địa phương, đơn vị quản lý nguồn nước chủ động tổ chức tu sửa công trình, nạo vét hệ thống kênh mương, kể cả kênh mương nội đồng; đồng thời áp dụng các biện pháp tưới tiêu hợp lý, tiết kiệm.

Không chỉ chống hạn bằng phương pháp tưới nước (thủy lợi) cho cây trồng, các cán bộ kỹ thuật Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh cũng đã đưa ra một số biện pháp chống hạn giúp bà con nông dân có vụ sản xuất hiệu quả hơn.

Cụ thể, về công tác làm đất, làm cỏ, bà con cần xới xáo đất nhằm phá vỡ đất mặt bị đóng váng, cắt đứt mao quản, giảm lượng nước bốc hơi, làm cho đất tơi xốp, tạo điều kiện giữ và thấm nước, thoáng khí, có lợi cho hoạt động của vi sinh vật trong đất. Dùng màng phủ nilon để hạn chế thoát hơi nước, vừa hạn chế sâu, bệnh và cỏ dại; tuy nhiên, sử dụng màng phủ phải đúng kỹ thuật, trong thời tiết nắng nóng, nên rải một lớp rơm mỏng trên màng phủ. Sử dụng phân bón hợp lý và cân đối nhằm tăng sức chống chịu của cây, thúc đẩy rễ phát triển; đặc biệt, tăng cường bón kali giúp cây chống chịu với điều kiện khô hạn.

Đối với một số cây lâu năm và một số loại cây ăn quả có thể tiến hành tỉa cành lá để giúp vườn cây thông thoáng, hạn chế thoát hơi nước; dùng các nguyên liệu như rơm, rạ, lá mía, cỏ khô, cây phân xanh, cây ngô, thân cây đậu đỗ,... để che phủ cho cây (tùy loại cây trồng và mật độ cây mà bà con có thể che phủ gốc hoặc che phủ toàn bộ bề mặt).

Để hạn chế được ảnh hưởng của khô hạn đối với cây trồng, bà con nông dân cần thực hiện sớm và đồng bộ các biện pháp trên. Ngoài ra, bà con nên sử dụng các giống cây trồng cạn ngắn ngày, có khả năng chống chịu hạn trên đất chuyển đổi như ngô HN88, NK6326; đậu xanh ĐX208, dưa hấu hắc mỹ nhân; mướp đắng, mè, khoai lang... để tránh hiện tượng thiếu nước quá dài có thể ảnh hưởng đến cây trồng nói chung .

Võ Đại Chung

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Bình