Mô hình thâm canh tổng hợp SRI trong sản xuất lúa lai tại xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn

Vụ mùa năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện Triệu Sơn đã triển khai, xây dựng và thực hiện mô hình “Thâm canh tổng hợp SRI trong sản xuất lúa lai” tại xã Thọ Vực, với 19 ha, 90 hộ tham gia, cấy giống TH3-5. Đến nay qua 4 tháng triển khai, kết quả mô hình cho thấy: Cây lúa sinh trưởng, phát triển khỏe vì cấy mạ non nên lúa bén rễn hồi xanh nhanh; cấy mật độ thưa nên cây hấp thụ ánh sáng tốt hơn; cây lúa được bón phân sớm, cân đối, tập trung, đúng thời điểm nên khả năng đẻ nhánh khỏe hơn, đẻ tập trung ngay từ giai đoạn đầu, số bông hữu hiệu cao, dài hơn và có thời gian sinh trưởng ngắn hơn đối chứng là 3 - 5 ngày; thời gian trỗ ngắn hơn đối chứng 2 ngày, màu sắc lá, độ dày lá, bộ xanh lá sáng, phiến lá dày hơn so với đối chứng. Vì thế đến giai đoạn chín vẫn giữ nguyên được bộ lá từ gốc không bị vàng úa, cháy trắng, không bị nhàu khô, đặc biệt là lá công năng được bảo vệ cực tốt nên hạt thóc mẩy đều, màu sắc vàng sáng, bắt mắt.

Bên cạnh đó, trên cùng một giống lúa với 2 biện pháp canh tác khác nhau cho thấy mức độ nhiễm sâu bệnh khác nhau. Mức độ sâu bệnh gây hại trên cây lúa cấy ở khu đối chứng nặng hơn và chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lớn hơn so với mô hình. Đồng thời năng suất trong và ngoài mô hình có sự chênh lệch rõ ràng, dự kiến năng suất mô hình đạt 65 tạ/ha, đối chứng đạt 60 tạ/ha.

Từ kết quả của mô hình cho thấy “Mô hình ứng dụng hệ thống thâm canh tổng hợp SRI trong sản xuất lúa lai” đã mang lại thành công thiết thực cho nông dân trong xã nói riêng, nông dân trong huyện nói chung, đặc biệt mô hình đã góp phần nâng cao trình độ thâm canh của người nông dân, đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí, hạn chế lượng phân bón dư thừa trong đất, gìn giữ nguồn tài nguyên nước và cải thiện môi trường một cách bền vững./.

Thu Hiền

 Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa