Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 01/2015 tại thôn Sao Vàng, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hoá và thôn 5, xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương (Thanh Hoá). Các hộ nông dân được hỗ trợ 100% giống, phân bón và được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI.

Để nhân rộng mô hình, dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các hộ nông dân từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa từ gieo mạ, cấy, đến khi cây lúa bén rễ, hồi xanh, ra lá mới; giai đoạn đẻ nhánh, giai đoạn làm đòng, giai đoạn trỗ chín và giai đoạn thu hoạch. Đồng thời, thông qua lớp tập huấn, dự án cũng đã tổ chức được 3 cuộc hội thảo nhân rộng mô hình cho trên 160 lượt hộ nông dân các xã vùng dự án chưa tham gia mô hình và nông dân 4 huyện miền núi đến tham quan, học hỏi trao đổi kinh nghiệm.

Đến nay, qua 4 tháng thực hiện mô hình, nông dân đã được trang bị kiến thức cơ bản về kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI trong sản xuất lúa như: cấy mạ non 2- 2,5 lá; cấy thưa để phát huy khả năng quang hợp, hạn chế sâu bệnh hại, tạo điều kiện cho các dảnh lúa để có khả năng phát triển thành dảnh hữu hiệu; điều tiết nước hợp lý; phòng trừ sâu bệnh hiệu quả… bên cạnh đó người  dân còn biết phân tích hệ sinh thái đồng ruộng, phun thuốc bảo vệ thực vật theo 4 đúng… Nhờ đó, người dân đã tiết kiệm được chi phí đầu tư như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khoẻ và môi trường sinh thái, góp phần nâng cao độ phì nhiêu của đất. Đặc biệt, thông qua mô hình đã làm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất của bà con nông dân, giúp cho bà con có thêm những kiến thức, qui trình canh tác mới trong sản xuất thâm canh lúa. 

Thu Hiền 

Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa