Làm được nhưng "khó nói"

Từ ngày 19-21/7/2017, tại huyện Lục Ngạn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức lớp tập huấn “Kỹ năng viết tin bài phục vụ hoạt động khuyến nông”. Lớp tập huấn xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của công tác thông tin, tuyên truyền trong hoạt động khuyến nông hiện nay. Ông Lưu Anh Đức, Trạm trưởng Trạm khuyến nông Lục Ngạn cho biết, 38 cán bộ khuyến nông trên địa bàn đều là những kỹ sư được đào tào bài bản về chuyên môn, có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động khuyến nông, từng thực hiện thành công rất nhiều mô hình khuyến nông nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền về mô hình đó để đông đảo người dân biết đến và học theo. Thực tế có những cán bộ khuyến nông luôn đi đầu trong công tác chuyên môn nhưng chưa từng cầm bút viết tin, bài nào về mô hình của mình, trong khi đó, khuyến nông tỉnh và khuyến nông Trung ương hiện rất cần những bài viết về nội dung này.

Nhiều học viên khẳng định, họ là cán bộ kĩ thuật, câu chữ chỉ mang tính chính xác chứ không mềm mại, viết báo cáo thì họ quen chứ viết tin, bài thì họ chưa từng được học và cũng chưa từng viết, dẫn đến hậu quả là rất nhiều mô hình hay, mất nhiều công sức để thực hiện nhưng ít người biết đến. Đó là lý do họ đề xuất với lãnh đạo Trung tâm tổ chức lớp tập huấn này.

Cán bộ khuyến nông có nhiều lợi thế để cầm bút

Giảng viên của lớp học lần này là Ths, Nhà báo Nguyễn Hải Đăng, Phó trưởng phòng thời sự kênh 3N – VTC16. Nhà báo Hải Đăng là người được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tin tưởng, đề nghị phối hợp giảng dạy các lớp kỹ năng viết tin, bài phục vụ hoạt động khuyến nông cho các học viên 18 tỉnh, thành phố trong những năm qua. Với phương pháp giảng dạy đề cao tính tương tác, tăng cường thời gian thực hành, sự thiết thực của chương trình tập huấn được đánh giá cao.

38 cán bộ khuyến nông Lục Ngạn, đa số chưa từng cầm bút viết báo. Nhà báo Hải Đăng khẳng định, viết tin, bài tuyên truyền cho hoạt động khuyến nông không khó, đặc biệt với cán cán bộ khuyến nông có chuyên môn sâu và có kinh nghiệm nhiều năm công tác, nhưng tư duy viết báo là điều gì đó quá cao siêu hay không tự tin về việc cầm bút đã cản trở việc viết báo của các cán bộ khuyến nông, suy nghĩ đó phải thay đổi.

Các học viên chia nhóm thảo luận theo các chủ đề

Sẽ có cuộc thi viết về khuyến nông Lục Ngạn?

Học viên Nguyễn Thị Thanh Thúy, cán bộ khuyến nông huyện chia sẻ: “Thời gian đến với lớp học rất có ý nghĩa. Cá nhân em được học thật, làm thật, được thày giáo cầm tay chỉ việc nên rất hiểu bài. Trước đây, em đã từng nhiều lần viết tin, bài, và chụp ảnh nhưng vì thiếu kỹ năng báo chí nên em không tự tin khi gửi bài đi. Khóa học giúp em bổ sung được rất nhiều kiến thức để có được một bài báo hay”.

Còn học viên Nguyễn Văn Trọng, cán bộ khuyến nông xã Trù Hựu nói: “Giảng viên lấy ví dụ minh họa cho bài học cũng chính là các sự kiện, vấn đề mà chúng tôi gặp hàng ngày trên đồng ruộng với bà con, nên tôi thấy rất dễ hiểu, khi gấp lại vở ghi chép mà vẫn nhớ bài”.

Sự say mê của các học viên khiến nhà báo Hải Đăng nhen nhóm ý tưởng về một cuộc thi viết giữa các cán bộ khuyến nông Lục Ngạn và rất mong Trạm Khuyến nông Lục Ngạn sẽ tổ chức. Vùng sản xuất cây ăn quả có múi lớn nhất miền Bắc này ẩn chứa rất nhiều những đề tài hấp dẫn, khi các cán bộ khuyến nông cầm bút, không chỉ phản ánh những vấn đề nóng hổi đang diễn ra ở địa phương mà còn là thúc đẩy được năng khiếu viết báo đang tiềm ẩn trong rất nhiều cán bộ khuyến nông trên quê hương vải thiều.

Học viên thực hành kỹ năng chụp ảnh tại một mô hình khuyến nông

Hương Giang 

Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang