Trong khuôn khổ dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng máy sạ theo khóm trong sản xuất lúa tại tỉnh Bạc Liêu” được hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, từ ngày 16 – 17 tháng 7 năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu đã tổ chức lớp tập huấn nhân rộng mô hình cho 30 học viên là nông dân nòng cốt của các huyện Phước Long, Hồng Dân, Hòa Bình và Vĩnh Lợi.

Lớp tập huấn có mục tiêu giúp các hộ nông dân hiểu biết cơ bản về kỹ thuật sản xuất lúa ứng dụng cơ giới trong gieo sạ, cụ thể là ứng dụng máy sạ lúa theo khóm; có khả năng thực hiện mô hình tại ruộng gia đình; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân khác làm theo. Lớp học gồm các chuyên đề: Kỹ thuật thâm canh lúa ứng dụng máy sạ theo khóm; Phương pháp tổ chức, quản lý và hoạt động của tổ dịch vụ máy sạ theo khóm; Kỹ thuật quản lý, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa máy sạ theo khóm.

Bên cạnh việc học lý thuyết, học viên được đi tham quan thực tế điểm trình diễn ruộng xuống giống bằng máy sạ theo khóm tại hộ ông Nguyễn Hoàng Vũ - HTX Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp Hòa Bình ở ấp 38, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình. Mô hình được thực hiện với mật độ sạ 6 kg/1.000m2. Tại buổi tham quan, học viên được nông dân trong mô hình chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm ứng dụng máy sạ theo khóm trong sản xuất lúa.

Theo đó, ông Vũ phấn khởi cho biết: “Lúc đầu khi mới tham gia dự án, tôi rất bỡ ngỡ và hoang mang khi ra ruộng thấy lúa 7 ngày tuổi mà như “cánh đồng hoang”, trong khi ruộng sạ 17 kg/1.000m2 bên cạnh xanh mướt, bị người ta cười đến ngại không dám đi đâu chỉ quanh quẩn ở nhà. Tuy nhiên khi dứt đợt phân thứ 2, lúa phát triển tốt, đẻ nhánh kín lối và đến nay lúa được 55 ngày tuổi, tôi chỉ phun 2 lần thuốc trừ sâu cuốn lá, không hề tốn đồng nào mua thuốc trừ bệnh. Ruộng thông thoáng và hoàn toàn không có lá ủ chân trong khi ruộng bên cạnh đã phun thuốc trừ bệnh 3 - 4 lần”.

Nông dân tham quan ruộng lúa được sạ theo khóm với mật độ 6 kg/1.000m2

 

Ứng dụng máy sạ lúa theo khóm không những giảm lượng giống, tăng năng suất lao động mà ruộng lúa còn ít sâu bệnh, giảm phân bón nên sẽ giảm được khá nhiều chi phí sản xuất. Thông qua lớp tập huấn, Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu đã tuyên truyền cho nông dân ứng dụng loại máy này vào sản xuất để giảm công lao động, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, học viên tiếp cận được tiến bộ kỹ thuật mới sẽ là những tuyên truyền viên giúp những nông dân khác biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn áp dụng các biện pháp cơ giới phù hợp trên đất của mình nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất và chất lượng lúa. Các học viên đồng kiến nghị nên nhân rộng các lớp tập huấn như trên cho nông dân trong thời gian tới.

Dung Ngọc

Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu