TS.Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, TS. Nguyễn Như Cường - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, ông Phạm Văn Hoang - Phó GĐ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Phước chủ trì Diễn đàn.

Diễn đàn tại huyện Bù Đăng có 183 đại biểu tham dự, trong đó có 133 nông dân trồng điều của huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước và huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng.

Diễn đàn tại huyện Bù Gia Mập thu hút 180 đại biểu, trong đó 130 đại biểu là nông dân của 4 huyện: Bù Gia Mập, Phú Riềng, thị xã Phước Long và huyện Đồng Phú thuộc tỉnh Bình Phước.

Toàn cảnh Diễn đàn

Báo cáo tại Diễn đàn cho thấy, đa phần diện tích điều hiện nay được trồng trên những vùng đất khô cằn, nghèo dinh dưỡng, đồi dốc cao, xa khu dân cư. Có hơn 75% diện tích cây điều trên 15 tuổi, trong đó hơn 30% số cây trên 25 tuổi nên già cỗi, hay bị sâu bệnh, tái sinh kém. Bên cạnh đó, người dân quan niệm rằng điều là cây dễ tính, ít phải chăm sóc, trồng quảng canh. Do vậy dẫn đến tình trạng năng suất điều ngày càng thấp, chất lượng điều giảm làm giảm thu nhập của người dân, không có khả năng đầu tư thâm canh.

Đặc biệt, trong năm 2017, từ tháng 1 đến tháng 3 là thời điểm ra hoa đậu quả lại gặp mưa nhiều làm rụng hoa và quả non. Hơn nữa sau thời gian thu hoạch, những cơn mưa lớn và liên tục đã làm bùng phát dịch bọ xít muỗi phá hại cây. Hiện nay khoảng 30% diện tích điều của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ nói chung và Bình Phước nói riêng bị khô cành, cháy lá, cây bị suy kiệt dinh dưỡng nên khả năng phục hồi, ra chồi mới kém. Điều này có thể làm năng suất điều năm 2018 sụt giảm. Vì vậy, giải pháp để khôi phục lại vườn điều, kỹ thuật chăm sóc phù hợp với từng dạng vườn (vườn phục hồi bình thường, vườn phục hồi kém và diện tích điều khó có khả năng phục hồi) đang là những đòi hỏi cấp bách. Các báo cáo tham luận, phần trao đổi, hỏi đáp giữa nông dân và ban cố vấn tại Diễn đàn đều tập trung vào những vấn đề này.

Ban cố vấn Diễn đàn đã nhận và trả lời mỗi diễn đàn trên 30 câu hỏi. Nội dung câu hỏi tập trung vào các giải pháp phòng và trị sâu bệnh hại trên cây điều giai đoạn này, đặc biệt là bệnh khô cành, cháy lá; kỹ thuật xử lý rụng lá, ra bông, đậu trái đồng loạt; chế độ chăm sóc dinh dưỡng cây điều, kỹ thuật khôi phục các dạng vườn điều, một số chính sách hỗ trợ giảm tổn thất cây điều bị mất mùa của địa phương…

Các đại biểu tham quan mô hình điều bị khô cành, cháy lá tại huyện Bù Đăng 

Kết thúc Diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi đã tổng kết một số giải pháp để khôi phục và cải tạo vườn điều như sau:

- Đối với vườn điều đang phục hồi sinh trưởng bình thường cần tỉa bớt những cành trong tán, vô hiệu để tập trung cho chồi khỏe sẽ cho hoa trong tháng 12, theo dõi sát tình hình sâu bệnh hại để phòng trừ và chăm sóc điều theo quy trình kỹ thuật của Bộ đã ban  hành.

- Đối với vườn điều phục hồi kém, ra ít chồi và có khả năng giảm năng suất năm tới: kiểm tra phòng trừ sâu bệnh hại để bảo vệ chồi đã ra, bón phân ngay đợt 2 và kết hợp phun thuốc kích thích sinh trưởng, bón phân lá tạo điều kiện cho cây mọc thêm chồi mới.

- Đối với điều ít có khả năng phục hồi, hiện cây khô cành, cháy lá, không hoặc rất ít ra chồi non: đốn thưa, đốn đau (trên 30% số cành/cây) để tập trung dinh dưỡng, ánh sáng cho cành còn lại, tạo tán mới cho cây; tăng cường bón phân, bón lần cuối cùng để thúc cành phát triển, phòng trừ sâu bệnh cho chồi mới. Trường hợp cây không thể phục hồi được cần có kế hoạch trồng tái canh bằng các giống điều mới đã được khuyến cáo, mua cây giống có nguồn gốc, cơ sở cung cấp giống đáng tin cậy, trồng mật độ dày để nhanh thu hoạch và sẽ tỉa thưa sau 7-8 năm tuổi.

TS. Trần Văn Khởi cũng đề nghị Trung tâm Khuyến nông Bình Phước và Lâm Đồng tiếp tục giải đáp, tư vấn kỹ thuật cho bà con nông dân về kỹ thuật chăm sóc vườn điều. Trung tâm Khuyến nông Bình Phước tổng kết các mô hình khôi phục vườn điều đã triển khai theo chương trình của tỉnh để rút ra các bài học, kinh nghiệm, tuyên truyền phổ biến cho khuyến nông cơ sở và nông dân có kiến thức xử lý phù hợp với tình trạng sinh trưởng của cây và thích ứng với biến đổi thời tiết xảy ra; Đề xuất địa phương tăng cường nguồn lực để mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, đặc biệt xử lý sâu bệnh hại và sử dụng phân bón cho điều. 

TS. Trần Văn Khởi kết luận Diễn đàn

Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia