Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã thăm mô hình canh tác vải thiều theo GlobalGAP và trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Tại đây, đoàn đã nghe cán bộ chuyên môn và chủ mô hình chia sẻ kinh nghiệm,báo cáo kết quả thực hiện mô hình.

Đoàn cũng được UBND tỉnh Bắc Giang báo cáo khái quát tình kinh tế - xã hội và một số nội dung về phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Theo báo cáo, thời điểm hiện tại đàn lợn của tỉnh có trên 900.000 con (tăng trên 279.000 con) và đạt 81,5% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch. Về cơ cấu đàn lợn hiện nay, đàn lợn nái 67.200 con, trong đó 213 lợn nái cấp giống ông bà, 46.827 con nái cấp bố mẹ, 20.160 con nái hậu bị; lợn thịt 540.000 con; lợn đực 1.500 con; lợn con theo mẹ 291.300 con. Tỉnh đã công bố hết dịch tả lợn Châu Phi và có đủ điều kiện để tái đàn, tuy nhiên việc tái đàn vẫn gặp khó khăn do thiếu giống, giá giống cao và còn nghi ngại về thị trường. 

Toàn cảnh buổi làm việc

 

Đối với sản xuất và tiêu thụ vải thiều năm 2020, cả tỉnh có 28.126 ha trồng vải thiều, sản lượng ước đạt 160.000 tấn (tăng so với năm 2019), trong đó diện tích trà vải sớm là 6.000 ha, vải chính vụ là 22.126 ha. Hầu hết diện tích trồng vải thiều đều thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, trong đó 15.000 ha sản xuất theo VietGAP, chiếm 53% tổng diện tích; 80 ha sản xuất theo GlobalGAP. Để nâng cao giá trị sản phẩm vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã chủ động ba phương án về thị trường để tiêu thụ, gồm: Duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Mỹ, Úc, châu Âu; Phối hợp với các doanh nghiệp mở mới thị trường vào Nhật Bản; Tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tham quan mô hình sản xuất vải thiều theo GlobalGAP tại Bắc Giang

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Bắc Giang đạt được trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tỉnh đã thực hiện tốt việc tái đàn, tăng đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi, có những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy sản xuất vải thiều. Tuy nhiên tỉnh cũng cần quan tâm một số vấn đề sau:

Về lĩnh vực trồng trọt: Trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm đến vấn đề thời tiết, khí hậu để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và dịch bệnh gây ra, đặc biệt là sản xuất lúa và vải thiều. Riêng về thị trường tiêu thụ vải thiều cần có kế hoạch chi tiết. Đối với xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc cần làm tốt công tác hậu cần phục vụ xuất khẩu như: phối hợp với các địa phương giáp biên mở đường xanh tại các cửa khẩu, ưu tiên cho xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu chính ngạch như Lạng Sơn, Lào Cai và Quảng Ninh. Ngoài các phương án xuất khẩu cần quan tâm đến phương án tiêu thụ trong nước thông qua các hội chợ…

Đối với phát triển chăn nuôi và tái đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi, tỉnh Bắc Giang cần thực hiện những biện pháp chỉ đạo, điều phối các doanh nghiệp sản xuất lợn giống tham gia việc phân phối giống lợn. Nghiên cứu xây dựng các chính sách hỗ trợ tái đàn vật nuôi về vốn, đất đai, giống,… Tập trung đầu tư cơ sở chế biến hiện đại, lựa chọn quy hoạch xây dựng nhà máy chế biến công nghệ châu Âu với quy mô 1 triệu con lợn/năm, ước tính đạt 80.000 tấn thịt lợn và 20.000 tấn thịt gà, nhằm hoàn thiện chuỗi liên kết bền vững tại Bắc Giang, tạo vành đai cung cấp thực phẩm cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận, hướng tới xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác tham quan, trả lời phỏng vấn tại mô hình

 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ đạo, yêu cầu đại diện các cơ quan quản lý chuyên môn tham gia đoàn công tác cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Giang thực hiện tốt các giải pháp phát triển chăn nuôi, hỗ trợ điều kiện tiêu thụ vải thiều hiệu quả nhất.

Nguyễn Văn Hưởng

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia