Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu, để từng bước giải bài toàn quan hệ sản xuất và thị trường, Ban chỉ đạo phát triển thị trường nông sản của Bộ phải nhanh chóng thu thập, hoàn chỉnh dữ liệu sản xuất của ngành. Từ đó, đưa ra định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp, gắn với kế hoạch tiêu thụ và xúc tiến thương mại. Trước mắt, trong 6 tháng cuối năm, Ban chỉ đạo phải dự báo, kế hoạch tiêu thụ những nông lâm thủy sản chính, tránh bị động và nông sản không tiêu thụ được.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ đã phân công nhiệm vụ cho các đơn vị rà soát tiến độ mục tiêu 6 tháng cuối năm theo tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo đó, các lĩnh vực sản xuất cần phải giảm sử dụng vật tư đầu vào; sử dụng vật tư thân thiện môi trường; sản xuất an toàn thực phẩm; nâng cao chế biến; đảm bảo thị trường tiêu thụ tốt, giá trị tăng cao, nhất là cho nông dân và các thành phần tham gia chuỗi.

“Theo cách tính giá trị sản xuất nông nghiệp hiện nay, tăng trưởng ngành là do tăng năng suất, sản lượng tăng. Điều đó chứng tỏ năng lực sản xuất, năng suất, sản lượng nông lâm thủy sản đang rất tốt. Nhưng thực tế, sản lượng tăng chưa chắc đồng nghĩa với giá trị gia tăng. Người làm ra sản phẩm chưa chắc được hưởng lợi nhiều và đủ để tái đầu tư, tái sản xuất trong điều kiện vật tư đầu vào tăng.” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu vấn đề.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị chuyên môn theo dõi sát diễn biến thời tiết, nguồn nước, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi… để sớm đưa ra những khuyến cáo, chỉ đạo kịp thời trong sản xuất những tháng cuối năm.

Đánh giá về tình hình sản xuất trong 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho hay, dịch COVID-19 tiếp tục làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông lâm thủy sản. Nhưng toàn ngành đã đạt được những kết quả cao, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt trên 3,82%.

Trong điều kiện dịch COVID-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển; phân phối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các loại nông sản vào mùa thu hoạch lớn.

Cùng đó, tổ chức tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Toàn ngành đã chủ động chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu lương thực - thực phẩm trong nước và phục vụ xuất khẩu. Nhờ vậy, mặc dù các nền kinh tế trên thế giới bị suy giảm bởi dịch COVID-19 nhưng GDP của ngành vẫn tăng cao.

Hiện cả nước đã gieo cấy được khoảng 5,23 triệu ha lúa, tương đương cùng kỳ năm 2020. Năng suất lúa ước đạt 67,7 tạ/ha, tăng khoảng 1,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt 21,58 triệu tấn, giảm 0,66 triệu tấn. Điều này đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Diện tích, sản lượng cây rau, cây cây công nghiệp, cây ăn quả đều tăng nhẹ.

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, gia tăng đàn lợn, gia súc ăn cỏ, ổn định đàn gia cầm, bảo đảm cơ bản nhu cầu thực phẩm trong nước. Đàn gia súc, gia cầm được phục hồi và phát triển; tổng sản lượng thịt các loại ước đạt 3,16 triệu tấn, tăng 22,58% so với cùng kỳ năm 2020.

Mặc dù, còn nhiều khó khăn về xuất khẩu bởi dịch COVID-19 nhưng thời tiết tương đối thuận lợi nên trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 4,1 triệu tấn, tăng 2,8%; trong đó, tôm nuôi có sự phát triển khá mạnh với mức 17%.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã có sự tăng mạnh 28,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt kết quả cao 24,23 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra.

 Đây là kết quả nhờ vào sự đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở cửa thị trường để duy trì, mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực như gạo, trái cây, thủy sản, gỗ… và tại các thị trường trọng điểm. Cùng với đó là việc thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Việt, cơ cấu lại nông nghiệp mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng chưa đồng đều. Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở nhiều địa phương còn chậm, sản lượng và quy mô còn hạn chế.

Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp chưa phổ biến và tỷ lệ giá trị liên kết còn thấp. Việc triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trong giai đoạn hậu dịch COVID- 19 còn chậm do tình hình diễn biến phức tạp, nhiều nước còn phong tỏa, hạn chế đi lại.

"Với nỗ lực vượt khó đương đầu với thử thách, hành động quyết liệt, sáng tạo, đổi mới, bứt phá vươn lên trên tất cả các lĩnh vực, trong 6 tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP từ 3 - 3,2%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 45 tỷ USD.", ông Nguyễn Văn Việt cho biết.

Để đạt kết quả trên, ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ngành cũng triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh... phù hợp với thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và trong bối cảnh tiếp tục chịu tác động của đại dịch COVID-19.

Trong trồng trọt, ngành sử dụng linh hoạt diện tích trồng lúa để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân. Điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất lúa. Với các loại rau, màu do có thời gian sinh trưởng ngắn, căn cứ vào tình hình nhu cầu tiêu thụ nội địa, xuất khẩu để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp. Các loại cây công nghiệp, cây ăn quả sẽ được theo dõi sát sản xuất để có chỉ đạo rải vụ phù hợp.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Cục sẽ phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản rà soát đánh giá lại các loại cây trồng chủ lực, có diện tích sản xuất lớn kết hợp với khả năng tiêu thụ để tránh tình trạng “được mùa mất giá”.

Trong chăn nuôi, ông Dương Tất Thắng, Quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, ngành chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tiếp tục khôi phục, tăng đàn đàn lợn; ổn định phát triển đàn gia cầm và phát triển một số loại vật nuôi khác. Ngành triển khai nhanh mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trên các đối tượng vật nuôi; xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn, an toàn sinh học và theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt là tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh để tình trạng tăng đột biến về giá cả và không đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành thủy sản sẽ tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng chủ lực như: tôm sú, tôm chân trắng, cá tra và các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Cụ thể, các địa phương tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi. Tổng cục sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo bước đột phá trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC.

Dự báo những khó khăn, thách thức từ tác động của đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục tác động đến sản xuất, tiêu thụ và xuất nhập khẩu. Để đạt mục tiêu xuất khẩu, các ngành hàng sẽ tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại để tháo gỡ rào cản và thâm nhập thị trường mới. Các đơn vị chức năng kịp thời giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic, không để ứ đọng hàng hóa tại các cửa khẩu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Bộ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ kịp thời các loại nông sản chính như nhãn, cam, thanh long… cho người dân, khắc phục tình trạng dư thừa, giá giảm gây thiệt hại cho người sản xuất…/.

Bích Hồng

TTXVN