Trong thời gian học lý thuyết, học viên đã được giảng viên trao đổi về kỹ thuật chăm sóc cũng như quản lý ao nuôi tôm thẻ siêu thâm canh theo công nghệ biofloc; giới thiệu một số mô hình thành công.

Giảng viên lưu ý các học viên nếu nuôi tôm theo công nghệ biofloc nên hàng ngày kiểm tra sự phát triển của biofloc một lần một ngày để điều chỉnh biofloc cho phù hợp, tránh tình trạng biofloc phát triển quá mức làm ảnh hưởng đến môi trường và tôm nuôi. Đặc biệt không được sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh để diệt khuẩn trực tiếp vào ao nuôi vì nó sẽ ảnh hưởng đến các sinh vật trong hệ thống nuôi. Để tạo và duy trì biofloc trong hệ thống ương, nuôi, học viên cần phải cung cấp thêm nguồn các-bon cho ao để kích thích sự phát triển của vi khuẩn dị dưỡng. Có rất nhiều nguyên liệu vật liệu dùng để cung cấp các-bon vào hệ thống biofloc, bao gồm mật đường, đường, bột khoai mì, bột gạo, bột đậu nành, canxi carbonate hay các nguồn khác. Nguồn các-bon hữu cơ bổ sung phân hủy nhanh và dễ dàng là tốt nhất. Đồng thời bổ sung thêm nguồn vi sinh nhằm mục đích tạo biofloc phát triển bền vững trong ao nuôi.

Để học viên nắm vững hơn kiến thức, lớp học đã tổ chức để học viên tham quan học tập kinh nghiệm thực tế mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh theo công nghệ biofloc tại xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn.

Kết thúc lớp học, 100% các học viên nắm vững kỹ thuật nuôi, chăm sóc và quản lý tôm thẻ siêu thâm canh theo công nghệ biofloc. Học viên đánh giá tốt về nội dung và phương pháp giảng dạy của giảng viên cùng công tác tổ chức và kiến nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia tiếp tục mở thêm các lớp tập huấn ToT với những nội dung khác phù hợp điều kiện của tỉnh Cà Mau.

Cẩm Thúy

Trung tâm Khuyến nông Cà Mau