Với chủ trương chung của đơn vị, Khuyến nông Đắk Lắk xác định người được đào tạo nghề nông nghiệp sau khi kết thúc chương trình học phải làm được nghề mình học và ứng dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình. Trong năm 2018, đơn vị đã thực hiện được 3 lớp đào tạo nghề thường xuyên với các nội dung gắn với nhu cầu của người học ở các địa phương và phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành của tỉnh, đó là nghề trồng và chăm sóc cây cà phê và nghề khuyến nông lâm. 

Lớp dạy nghề trồng và chăm sóc cây cà phê năm 2018

Các lớp đào tạo theo hình thức tập trung, trong thời gian 2 tháng. Nội dung đào tạo bám sát chương trình khung của Tổng cục nghề, với phương pháp dạy học tích hợp, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giúp cho người học dễ dàng liên hệ và áp dụng vào thực tiễn sản xuất, công tác sau khi tốt nghiệp. Đặc thù lớp học với đa số học viên là đồng bào dân tộc thiểu số nên chương trình và phương pháp đào tạo được xây dựng phù hợp với trình độ đầu vào và trình độ nhận thức của học viên, phương pháp “cầm tay chỉ việc” được các giảng viên tăng cường sử dụng để phát huy tối đa hiệu quả đào tạo.  

Kết thúc khóa đào tạo có 90 học viên được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo, trong  đó 78% học viên là đồng bào dân tộc thiểu số, học viên nữ chiếm 31% và 0,03% thuộc diện hộ nghèo.

Trong thời gian tới, Khuyến nông Đắk Lắk sẽ nỗ lực đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả sau đào tạo nghề, chính quyền địa phương cần hỗ trợ người lao động chuyển đổi ngành nghề phù hợp, tạo điều kiện về vốn cho học viên đầu tư, duy trì kiến thức đã học để áp dụng vào thực tế; có cơ chế mở các ngành nghề để thu hút lao động địa phương tham gia, nhất là vấn đề giải quyết, giới thiệu việc làm cho lao động sau khi được đào tạo, dạy nghề.

Hoàng Thị Ái Liên

Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk