Trong tháng 6/2022, Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông đã tổ chức thành công 06 buổi tọa đàm tại 06 xã trên địa bàn các huyện: xã Đắk R’Tih, huyện Tuy Đức; xã Nam Đà, huyện Krông Nô; xã Đắk Lao, huyên Đắk Mil; xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp; xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song và xã Cư Knia, huyện Cư Jút với 300 người nông dân tham dự, trong đó: nữ 122 người (chiếm 40,7%); dân tộc thiểu số: 74 người (chiếm 24,7%).

 Tọa đàm có các chủ đề: Giải pháp phát triển cây mắc ca, cà phê theo hướng bền vững; Giải pháp phát triển cà phê cảnh quan thích ứng biến đổi khí hậu; Giải pháp phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng sầu riêng; Giải pháp phát triển sản xuất rau, củ, quả theo hướng an toàn; Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững”. Các tọa đàm đều thu hút nhiều nông dân tham dự bởi những chủ đề của tọa đàm phải là những chủ đề được nông dân quan tâm. Muốn chọn chủ đề hay, hấp dẫn trước hết phải tìm hiểu và nắm bắt thực tế về tình hình sản xuất, tư tưởng, tâm tư và mong muốn của nông dân, những vấn đề nông dân đang vướng mắt cần được trao đổi.

Điển hình như tọa đàm “Giải pháp phát triển cà phê cảnh quan thích ứng biến đổi khí hậu” tại xã Nam Đà, huyện Krông Nô. Có thể nói đây là một cuộc tọa đàm khá thành công ở khía cạnh chọn chủ đề. Bởi trên địa bàn xã có một số hộ đã có nhiều kinh nghiệm với hơn 30 năm canh tác cà phê; có những hộ có vườn cà phê từ 15 - 20 năm tuổi đã sắp đến thời kỳ tái canh hoặc ghép cải tạo; thậm chí một số hộ mới trồng cà phê do nhập cư từ nơi khác đến hoặc chuyển đổi diện tích cây trồng khác sang canh tác cà phê. Vì vây, tham gia tọa đàm hầu hết là những người rất quan tâm đến vấn đề sản xuất cà phê.

Toàn cảnh một buổi tọa đàm

 

Trước khi tổ chức tọa đàm, ban cố vấn đã chuẩn bị các ý kiến nòng cốt và môt số câu hỏi liên quan đến nội dung chính của chủ đề. Câu hỏi phải hết sức cụ thể, dễ hiểu. Để chuẩn bị các ý kiến, nhóm chuẩn bị nội dung cần họp bàn hoặc có thể tham khảo các ý kiến các nhà chuyên môn để tìm hiểu và lựa chọn người chuẩn bị ý kiến nòng cốt cho phù hơp.

Một vấn đề khác nữa không kém phần quan trọng, góp phần vào sự thành công của cuộc tọa đàm đó là việc xây dựng chương trình và người điều hành. Cần nói rõ mục đích, ý nghĩa của tọa đàm và cách thức trao đổi. Sau đó là các ý kiến phát biểu của nông dân tham dự tọa đàm, phần này người chủ trì phải có nghệ thuật điều khiển, dẫn dắt để hướng các ý kiến phát biểu theo đúng chủ đề và trọng tâm vấn đề cần trao đổi.

Thông qua 06 cuộc tọa đàm tại cơ sở với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, những kinh nghiệm này không chỉ giúp ích cho nông dân sản xuất tốt mà còn là những kinh nghiệm thực tế rất đáng quý cho cán bộ khuyến nông./.

Nguyễn Thị Minh Hương

 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông