Tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định trong 10 sản phẩm chủ lực mà Ngành Nông nghiệp đã xác định, tất cả đều thuộc thế mạnh của vùng Nam Bộ, bởi vậy đây chính là vùng sản xuất trọng điểm, cũng là vùng sản xuất năng động và có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp thành đạt.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT rất chú trọng công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng. Tuy nhiên, theo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, các chính sách cụ thể phục vụ cho phát triển khoa học công nghệ chưa thực sự đồng bộ; Quá trình đổi mới cơ chế, chính sách phát triển về mặt chủ trương, đường lối thông thoáng, rõ ràng nhưng về mặt thực tế vẫn còn nhiều bất cập, khó thực hiện; Chương trình KHCN trọng điểm chưa có sự đổi mới; Các chính sách thu hút doanh nghiệp không hấp dẫn; Vẫn còn tình trạng thiếu các nghiên cứu chuyên sâu trên một đối tượng sản phẩm, phần lớn các nghiên cứu tập trung vào khâu giống, quy trình canh tác...

Tại Hội thảo, TS Trần Văn Khởi – Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, Vụ KHCN và Môi trường là đầu mối thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khuyến nông của Bộ nhưng lực lượng cán bộ mỏng và phần lớn chưa có kinh nghiệm hoạt động khuyến nông. Trong khi đó, Trung tâm Khuyến nông quốc gia ngoài nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên được Bộ giao chủ trì, cũng chỉ tham gia các dự án khuyến nông như một đơn vị khác nên vai trò, vị trí của một cơ quan khuyến nông Trung ương - đầu mối chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong phạm vi cả nước bị hạn chế.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, khuyến nông vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh Ngành Nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu và hội nhập quốc tế. Hệ thống Khuyến nông vẫn sẽ là cầu nối để phổ biến, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. 

Nguyễn Huy Thạch

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia