Ngày 28/5/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất vụ Đông xuân 2017 – 2018. Dự hội nghị có đồng chí Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo UBND, phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông các huyện, thị, thành phố, đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và một số Công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp. Tại Hội nghị đã được nghe ông Trịnh Quốc Cường – Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp thông qua báo cáo sơ kết sản xuất vụ Đông xuân 2017 - 2018.

Toàn cảnh hội nghị

Vụ Đông xuân 2017 – 2018, toàn tỉnh gieo cấy được 9.329,6 ha lúa, đạt 101,6% kế hoạch, tăng 253,1 ha so với vụ Đông xuân năm 2016 - 2017. Thời vụ và cơ cấu các trà lúa cụ thể: Trà cực sớm gieo trước 20/12/2017 là 320,9 ha, chiếm 3,4%; trà sớm gieo từ 20 – 30/12/2017 là 1.826,4 ha, chiếm 19,6%; trà chính vụ gieo từ 1 – 20/1/2018 là 4.411 ha, chiếm 47,3%; trà muộn gieo cấy sau 20/1/2018 là 2.771,3ha, chiếm 29,7%. Cơ bản các huyện, thị, thành phố đã chỉ đạo theo lịch thời vụ. Tuy nhiên, ở một số huyện vẫn còn tình trạng gieo, cấy chưa theo lịch thời vụ chung của ngành Nông nghiệp và PTNT, xuất hiện trà lúa cực sớm gieo trước 20/12/2017 với diện tích 320,9 ha chiếm 3,4% tổng diện tích gieo cấy (huyện Tuần Giáo 271,4ha, Mường Chà 46,5ha, Nậm Pồ 3,0ha).

Về cơ cấu giống: lúa thuần diện tích 8.732,8 ha chiếm 93,6% tổng diện tích gieo cấy gồm: Bắc thơm số 7 (31,8%), IR 64 (13,9%), các giống nếp (18,6%), Séng cù (5,2%), còn lại các giống lúa thuần khác là 2.083 ha chiếm 22,3%; Lúa lai 596,8 ha chiếm 6,4% tổng diện tích gieo cấy gồm: Nghi hương 2308 (4%), Nhị ưu 838 (2,4%). Về cơ bản các địa phương đã chỉ đạo cơ cấu giống gieo cấy theo định hướng của ngành. Tuy nhiên, một số huyện vẫn còn còn tình trạng người dân tự phát gieo cấy với diện tích tương đối lớn các giống lúa địa phương, không có trong cơ cấu, năng suất thấp, chịu thâm canh kém và mẫn cảm với sâu bệnh như: Séng cù, Vai gãy. Tình trạng lẫn tạp lúa giống trên cánh đồng có xu hướng tăng, do sử dụng nhiều loại giống trên một cánh đồng, chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật, người dân tự để giống từ vụ trước, mua giống không rõ nguồn gốc... là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lẫn tạp làm giảm năng suất, chất lượng lúa gạo. Vụ lúa Đông xuân 2017 – 2018 có năng suất ước đạt 58,94 tạ/ha, đạt 100,3% kế hoạch, tăng 0,3 tạ/ha so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 54.991 tấn, đạt 101,9% kế hoạch, tăng 1.763 tấn so với vụ Đông xuân năm trước.

Về rau màu, từ đầu năm 2018 đến nay, tổng diện tích rau màu toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 39.804ha, đạt 104,5% kế hoạch. Cụ thể, diện tích gieo trồng ngô đạt trên 26.252ha; khoai lang 448,9ha; sắn gần 7.326ha; đậu tương 1.890ha; lạc 1.176,6ha; rau, đậu các loại trên 2.710ha. Đối với công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, vụ Đông xuân 2017 – 2018 toàn tỉnh đã chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác là 29,38 ha.

Nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, vụ Đông xuân vừa qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có 2 dự án “Cánh đồng lớn” được phê duyệt (Dự án của HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, huyện Điện Biên, với diện tích 41ha; HTX Công nghệ cao bản Mé, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, với diện tích 22ha giống lúa Bắc thơm số 7). Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp khác cũng tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong vụ, một số mô hình sản xuất điển hình và những tiến bộ khoa học trong sản xuất lúa đã được triển khai, phổ biến tới nông dân như: thử nghiệm một số giống lúa mới, gieo lúa sạ hàng theo hiệu ứng hàng biên, canh tác cải tiến SRI; 3 giảm, 3 tăng, cấy mạ non; cơ chế chính sách của địa phương đã và đang được áp dụng để hỗ trợ sản xuất (sản xuất theo cánh đồng lớn, sản xuất hàng hóa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng...).

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận, trao đổi làm rõ một số nội dung trong quá trình triển khai sản xuất vụ Đông xuân 2017 – 2018. Ông Hà Văn Quân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT ghi nhận, tiếp thu các ý kiến tham gia và chỉ đạo các phòng chuyên môn thuộc ngành phối hợp với các huyện đánh giá để bổ sung một số giống vào cơ cấu giống của tỉnh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc mua bán giống, phân bón nhằm đản bảo chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lò Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương, ghi nhận những kết quả ngành Nông nghiệp tỉnh, công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp có tiến bộ, rõ nét hơn những năm trước, đã đạt được trong vụ Đông xuân 2017 – 2018; đồng chí đề nghị UBND các huyện chỉ đạo việc cắm mốc nghiêm ngặt để bảo vệ diện tích lúa, tăng cường kiểm tra giám sát vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, thu hút các doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp.

Để sản xuất vụ Hè thu, vụ Mùa và vụ Đông 2018 đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, cần thực hiện một số biện pháp sau: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, chỉ đạo nghiêm túc tuân thủ lịch thời vụ, quản lý chặt chẽ cơ cấu giống, áp dụng khoa học kỹ thuật để hạ giá thành sản phẩm; Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, dự báo nguồn nước để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, phù hợp với tình hình địa phương; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật tư chuyên ngành; Đẩy mạnh tái cơ cấu trồng trọt theo hướng chất lượng, giá trị và bền vững.

Định Thị Thu Hà

Trung tâm Khuyến nông Điện Biên