Toàn cảnh diễn đàn

Chủ trì diễn đàn có ông Trần Đình Luân – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Từ Anh Sơn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Thọ. Tham dự diễn đàn có đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trường Cao đẳng Kinh tế và Kỹ thuật Thủy sản, Viện Nghiên cứu NTTS 1, Viện Nghiên cứu Hải sản, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính, Chi cục Thủy sản và một số Trung tâm Khuyến nông các tỉnh phía Bắc; một số doanh nghiệp và nông dân trong khu vực.

Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy quá trình chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học ở tất cả các lĩnh vực, có sự tham gia của tất cả các thành phần; trong đó phát triển thủy sản cũng đã được Chính phủ và ngành nông nghiệp chú trọng đầu tư rất mạnh để phát huy các tiềm năng. Theo hệ thống văn bản pháp quy hiện nay đã có 03 luật, 12 nghị định, 05 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 06 thông tư và một số quyết định của Bộ, ngành và địa phương về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN cho sản xuất. Trong lĩnh vực nhỏ hơn, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-BNN-TCTS ngày 09/3/2017 Về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2017 – 2020; trong đó đã nêu rõ các mục tiêu phát triển, nội dung và giải pháp thực hiện; nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan, hiệp hội… liên quan.

Tổng cục Thủy sản đã phân tích các chính sách đang thực hiện, kết quả và đề xuất một số giải pháp điều chỉnh, xây dựng các chính sách mới để công tác nghiên cứu ứng dụng KHCN đạt hiệu quả tốt hơn. Các đơn vị tham dự báo cáo các kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN trong thời gian 3 năm trở lại đây; Viện nghiên cứu NTTS 1, Viện nghiên cứu Hải sản đã nêu vắn tắt các công nghệ trong khai thác thủy sản, chế biến thủy sản, công nghệ sinh học - vi tảo, công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm các đối tượng hải sản, thủy sản nước ngọt, cá nước lạnh và bệnh thủy sản. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nêu các mô hình đã được triển khai, áp dụng tiến bộ kỹ thuật đạt hiệu quả trong thực tiễn và đang được nhân rộng ở các địa phương và trong cả nước: nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm, nuôi cá – lúa, nuôi cá nước lạnh trong bể, nuôi cá trong lồng trên sông và trên hồ chứa, nuôi tôm theo VietGAP… Một số sở nông nghiệp và PTNT, chi cục thủy sản đã báo cáo, phân tích những khó khăn gặp phải về cơ chế, chính sách và các khâu chưa phù hợp tại địa phương và trung ương, đề xuất chỉnh sửa và tham khảo cách làm hay ở các địa phương khác. Các doanh nghiệp nêu một số sản phẩm cung cấp phục vụ cho quá trình sản xuất của nông dân nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, đề xuất được tạo thuận lợi để có thể gắn kết với các tổ chức sản xuất đảm bảo tính ổn định và lâu dài.

Thời gian hội thảo có hạn, các đơn vị tham dự không trao đổi được hết những kết quả KHCN nhưng đã nêu được kết quả nghiên cứu, ứng dụng KHCN, chính sách phát triển KHCN trong thủy sản. Thảo luận được các nội dung cơ bản, các hướng đi để có thể đạt được hiệu quả tốt hơn theo hướng tổ chức lại sản xuất, tạo sự liên kết các thành phần trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản. Mỗi địa phương cần xác định đối tượng chính, đặc trưng, chủ lực để tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Các ngành khác cùng chung tay với ngành nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững.

Quang Hạnh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia