Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ông Micheal Greene - Giám đốc Trung tâm phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ông Kidong Park  - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Một sức khỏe năm 2018

Đối tác Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người (OHP) được ra mắt vào ngày 1/3/2016 với sự tham gia ký kết của 27 cơ quan và tổ chức trong nước và quốc tế, bao gồm đại diện của Chính phủ Việt Nam và đại diện cộng đồng quốc tế liên quan, nhằm tăng cường công tác điều phối thực hiện chương trình Một sức khỏe ở Việt Nam.

Tiếp nối thành công của các chương trình trước, Chiến lược Một sức khỏe Quốc gia phòng chống bệnh truyền lây giữa động và người – OHSP (2016-2020) đã được xây dựng và phê duyệt năm 2016. Chiến lược đưa ra khung định hướng cho các nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế tại Việt Nam với mục tiêu nhằm giảm thiểu các tác động đến sức khỏe cũng như các ảnh hưởng khác do dịch bệnh truyền lây từ động vật hoặc có nguồn gốc từ động vật gây ra. Việc giám sát tiến độ thực hiện Chiến lược được thực hiện thông qua Diễn đàn Một sức khỏe thường niên do Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Y tế đồng chủ trì với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan cũng như các thành viên tham gia ký kết Khung đối tác Một sức khỏe.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám phát biểu khai mạc tại Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám cho biết, năm 2018 hứa hẹn sẽ là năm bản lề trong công tác Một sức khỏe để nâng cao vị thế Việt Nam trong vai trò là nước dẫn đầu trong công tác phòng chống bệnh dại của khu vực Đông Nam Á. Việt Nam vẫn đang tích cực thúc đẩy các nỗ lực trong nước và khu vực, đồng thời khởi động rà soát kết quả thực hiện Chiến lược khống chế và loại trừ bệnh dại khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, công tác một sức khỏe trong các lĩnh vực kháng kháng sinh, cúm và các bệnh truyền lây ưu tiên khác vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và có những tín hiệu hợp tác quốc tế tích cực.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã được nghe 5 báo cáo với các nội dung: Kết quả thực hiện Chiến lược Một sức khỏe ngành thú y, giai đoạn 2016- 2020 của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và PTNT; Kết quả thực hiện Chiến lược Một sức khỏe ngành Y tế, giai đoạn 2016- 2020 của Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y Tế; Các thành tựu của hoạt động một sức khỏe đạt được năm 2017 và ưu tiên chính trong năm 2018 của FAO và WHO (Việt Nam); Báo cáo thực hiện Thông tư liên tịch số 16 tại bốn tỉnh Thanh Hóa, Hà Giang, Quảng Ninh và Bình Định - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương; Khung kết quả Chiến lược Một sức khỏe quốc gia dự kiến, kế hoạch ngành, kế hoạch M & E và cập nhật tiến độ Chiến lược Một sức khỏe quốc gia tổng thể - Ban thư ký đối tác Một sức khỏe.

Theo báo cáo của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và PTNT, thực hiện chiến lược Một sức khỏe, từ năm 2008 đến nay, Cục Thú y phối hợp lấy hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm cúm gia cầm, kết quả cho thấy tỷ lệ lưu hành của vi rút cúm A/H5N1, A/H5N6 từ 0,1-7,2%. Bên cạnh đó, từ tháng 3/2013, Cục Thú y đã phối hợp lấy và xét nghiệm trên 200 nghìn mẫu môi trường, mẫu nước thải,… tại trên 200 chợ, điểm buôn bán gia cầm của 35 tỉnh, thành phố nhưng chưa có mẫu nào dương tính với cúm A/H7N9.

Về kháng kháng sinh, Bộ Nông nghiệp &PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017-2020. Trong đó, nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và nguy cơ về sự hình thành kháng kháng sinh; thực hiện thực hành tốt trong điều trị, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giám sát kháng kháng sinh, sử dụng kháng sinh và tồn dư kháng sinh. Cấm sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích tăng trưởng từ tháng 1/2018 và đến hết năm 2020 sẽ không cho phép sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi với mục đích phòng bệnh.

Báo cáo của Cục Y tế dự phòng cho thấy, ngành y tế thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bao gồm các bệnh lây truyền từ động vật sang người; chia sẻ tham vấn giữa ngành nông nghiệp và y tế trong xây dựng các thông điệp truyền thông nguy cơ cho các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền từ động vật sang người.

Tại phần thảo luận, đã có 14 ý kiến của các đại biểu nhằm đưa ra các hoạt động, kế hoạch thực hiện công tác Một sức khỏe trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục thực hiện Kế hoạch quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm giai đoạn 2014-2018; Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người; Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021. Cùng với đó, đôn đốc thực hiện kế hoạch kinh phí chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn… Đặc biệt, ngoài việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, các đại biểu, các đối tác trong và ngoài nước đều cam kết hỗ trợ và hợp tác cùng Việt Nam trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi cũng như các hoạt động một sức khỏe.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kết luận tại Diễn đàn

Kết luận tại Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng: Hoạt động phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người đòi hỏi sự hợp tác liên ngành, thậm chí liên quốc gia. Những năm qua, mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tích rất đáng ghi nhận về công tác Một sức khỏe ở cấp trung ương, tuy nhiên, tại địa phương, các hoạt động này còn rất hạn chế. Trong thời gian tới, các tổ chức thành viên Một sức khỏe cần quan tâm tới việc tổ chức diễn đàn tại các địa phương, cần lựa chọn các tỉnh trọng điểm để xây dựng thông tin, kế hoạch hành động…. Để đạt được kết quả cao, công tác tăng cường năng lực cho các cán bộ y tế và nông nghiệp rất quan trọng. Đặc biệt, các trường đại học cần đưa chương trình Một sức khỏe vào giảng dạy chính thống. Với những thành công đã đạt được, hy vọng rằng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ trở thành điểm sáng Một sức khỏe không chỉ ở khu vực mà cả trên thế giới.

Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia