Từ mô hình “Canh Tân Hội quán” đầu tiên ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành được thành lập vào ngày 03/7/2016, đến nay toàn tỉnh đã có 63 hội quán ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, với khoảng 3.326 hội viên.Trong quá trình hoạt động, số hội viên có xu hướng tăng dần. Ban chủ nhiệm được cơ cấu từ 3-10 thành viên, đây là những nông dân ưu tú, có uy tín trong cộng đồng, có khả năng tập hợp các thành viên và liên kết trong các hoạt động của hội quán.

Sự ra đời và hoạt động của các hội quán được sự quan tâm của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các cấp Ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hình thành và hoạt động của hội quán. Mỗi hội quán đều có lịch sinh hoạt định kỳ (hàng tuần, 02 tuần hoặc 01 tháng/lần) thu hút hàng chục hội viên tham gia. Nội dung sinh hoạt của các hội quán rất phong phú. Các thành viên bàn luận, trao đổi cách làm mới có hiệu quả, các nhà khoa học, doanh nghiệp chia sẻ về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và liên kết tiêu thụ hàng nông sản, tình hình an ninh trật tự, an sinh xã hội ở địa phương.

Sự ra đời và hoạt động của các hội quán nhận được nhiều quan tâm của chính quyền

Hầu hết các hội quán được thành lập đều gắn ít nhất một mặt hàng nông  sản đặc trưng của địa phương đó, cho nên hoạt động của từng hội quán đều mang tính đặc thù, là hạt nhân để phát triển chuỗi liên kết sản phẩm tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tập thể.

Một số hội quán đã phối hợp với các ngành chức năng, doanh nghiệp, nhà khoa học triển khai mô hình nông nghiệp thông minh như: Máy cấy lúa kết hợp với vùi phân bón thông minh, chỉ bón một lần cho cả vụ; Sử dụng phương pháp điện toán đám mây trong việc theo dõi lượng nước tưới cho cây trồng (Công ty cổ phần Rynan AgriFoods); Những giải pháp sản xuất tiến bộ bền vững, nhằm làm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành, hiệu quả trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu. Đồng thời kết nối với doanh nghiệp trong tiêu thụ, gắn với thị trường, hướng tới sản xuất sạch (GAP), đảm bảo sản phẩm đủ tiêu chuẩn vào các siêu thị và xuất khẩu; từ đó mô hình được nhân rộng với quy mô lớn, mang lại hiệu quả.

Qua hoạt động hội quán đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như mô hình: “Cây xoài nhà tôi” ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh;  “Cây cam vườn tôi” của xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh.

Hoạt động của hội quán đi vào ổn định, thành viên hội quán nhận thấy sản xuất, kinh doanh nhỏ, cá thể không mang lại hiệu quả cao, nên mạnh dạn cùng nhau vận động thành lập hợp tác xã, để liên kết sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn nhằm nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng. Từ sự liên kết, bước đầu các hội quán đã ký kết với các công ty trong việc tiêu thụ sản phẩm thông qua việc ký kết đã nâng cao ý thức cho người dân trong sản xuất phải bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng, an  toàn thực phẩm. Đến nay, đã có rất nhiều thành viên tham gia mô hình sản xuất theo yêu cầu của đối tác tiêu thụ.

Mô hình hội quán đã thể hiện được vai trò là trung tâm kết nối cộng đồng trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất, chú trọng tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, sản xuất theo nhu cầu của thị trường; giúp chuyển biến nông dân sản xuất theo quy trình sản suất tiên tiến, công nghệ cao, quy mô lớn, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhằm giảm thiểu rủi ro, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, phát triển kinh tế gia đình và từng bước làm giàu đẹp cho quê hương.

Trần Thị Cẩm Hoa

Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp