Nghề nuôi tôm càng xanh của tỉnh chủ yếu sử dụng con giống tôm vừa có đực vừa có cái. Năng suất tôm thường đạt từ 1 – 1,5 tấn/ha, chất lượng không đồng đều, chưa đạt yêu cầu vì con cái thường chậm lớn do mang trứng nên năng suất không cao, dẫn đến hiệu quả thấp.

Nhằm để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, năm 2017, Trung tâm đã thực hiện dự án khuyến nông trung ương “Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi” thông qua xây dựng mô hình nuôi luân canh tôm càng xanh – lúa (tôm toàn đực). Mô hình quy mô 20ha do 12 hộ tại 3 huyện Tam Nông, Cao Lãnh và Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp triển khai. Khi tham gia mô hình được dự án hỗ trợ không hoàn lại 50% giá con giống tôm, 100% giống lúa, 30% thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học và phân bón.

Vừa qua, các hộ nuôi được Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi luân canh tôm càng xanh - lúa với các nội dung cơ bản: đặc điểm cơ bản của tôm càng xanh và tôm càng xanh toàn đực, giống lúa thực hiện mô hình; lợi thế của việc nuôi theo hình thức luân canh tôm càng xanh-lúa; kỹ thuật chuẩn bị ao, ruộng; kỹ thuật nuôi tôm càng xanh; kỹ thuật trồng lúa (thả giống, quản lý, thu họach và ghi chép); tính toán hiệu quả, năng suất cho mô hình.

Lớp tập huấn đã giúp các hộ nắm bắt được toàn bộ quy trình kỹ thuật để có thể chủ động trong sản xuất, góp phần thực hiện mô hình thành công, hiệu quả kinh tế tăng ít nhất 15% so với nuôi truyền thống.

Trần Thị Cẩm Hoa

Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp