Mục đích chuyến làm việc tại huyện Mường Lát của đoàn là khảo sát mô hình phát triển du lịch cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, ngành nghề nông thôn, vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện Mường Lát. Đồng thời tiến hành khảo sát vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn tỉnh và tham dự Hội thảo “Phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến sợi phục vụ ngành dệt may tại một số tỉnh phía Bắc” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) chủ trì tổ chức.

Đoàn làm việc với các ban ngành của tỉnh Thanh Hóa

 

Tại buổi làm việc, đoàn đã nghe đại diện xã Mường Chanh báo cáo về tình hình kết quả xây dựng nông thôn mới, công tác phát triển du lịch cộng đồng và vùng nguyên liệu của huyện cũng như của xã. Huyện Mường Lát là một trong những huyện nghèo nhất của cả nước, trong đó xã Mường Chanh là xã vùng cao biên giới có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của huyện. Tháng 9/2011, xã Mường Chanh được được Tổng Bí thư BCHTƯ Đảng Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo là xã điểm thoát nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Khi bước vào triển khai thực hiện, xã Mường Chanh đạt 3/19 tiêu chí, đến năm 2017 tăng lên 10/19 tiêu chí, năm 2020 giảm xuống còn đạt 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Mường Chanh đạt 6/19 tiêu chí xã nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí mới), còn 13 tiêu chí chưa đạt. Nói chung, kết quả đạt được còn rất hạn chế, sản xuất còn rất yếu, chủ yếu là sản xuất phục vụ sinh hoạt hộ gia đình, chưa phát huy cao được tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Đoàn thăm mô hình chăn nuôi bò tại bản Cang, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát

 

Về công tác phát triển du lịch cộng đồng, huyện Mường Lát có 16 danh làm thắng cảnh mang nét đặc trưng, tuy nhiên thực tế các địa điểm này chưa được đầu tư, khai thác, chưa tạo việc làm, giúp tăng thu nhập cho người dân.

Năm 2021, huyện bắt đầu triển khai thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu cây gai xanh theo Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt. Đến nay, trên địa bàn huyện đã trồng được 64,1 ha gai xanh. Theo báo cáo của xã Mường Chanh, một trong những địa phương trồng 13,5 ha cây gai xanh, trong đó có 1,3 ha đã cho thu hoạch lần đầu, cây gai xanh phát triển tốt, năng suất cao, mang lại hiệu quả cao hơn cây trồng khác.

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh cam kết hỗ trợ xã Mường Chanh đàn bò giống mới, giống cây lâm nghiệp, hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực dẫn tinh viên nhằm cải tạo chất lượng đàn bò. Trung tâm cũng sẽ đề xuất với Bộ Nông nghiệp trên cơ sở đề nghị của huyện để xây dựng dự án khuyến nông tại địa phương thời gian tới.

Giám đốc TTKNQG Lê Quốc Thanh phát biểu tại buổi làm việc

 

Sau khi thăm một số mô hình sản xuất cũng như nghe báo cáo và ý kiến của các đại biểu tham dự buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá Mường Lát có nhiều tiềm năng lợi thế, tuy nhiên những tiềm năng này chưa được khai thác, địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới nói chung, xây dựng các mô hình sản xuất nói riêng. Theo đó, Thứ trưởng cho biết Bộ Nông nghiệp sẽ hỗ trợ xã Mường Chanh đạt trên 15 tiêu chí nông thôn mới (chậm nhất là đến năm 2024). Thứ trưởng đề nghị Văn phòng xây dựng MTM phối hợp với TTKNQG nghiên cứu xây dựng mô hình thôn, bản vùng biên đạt nông thôn mới; nghiên cứu xây dựng điểm tập kết nông sản tại trung tâm huyện nhằm thuận lợi cho việc thu mua và vận chuyển sản phẩm. Thứ trưởng cũng đề nghị xây dựng dự án phát triển sản phẩm “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” tập trung vào 3 mô hình: dệt thổ cẩm, sơ chế nông sản và du lịch cộng đồng. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia bố trí xây dựng dự án phát triển đại gia súc nhằm nâng cao chất lượng đàn bò địa phương. Đối với mô hình trồng gai xanh, các giải pháp để phát triển bền vững sẽ tiếp tục được thảo luận trong Hội thảo “Phát triển sản xuất cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến sợi phục vụ ngành dệt may tại một số tỉnh phía Bắc” do TTKNQG chủ trì tổ chức trong chiều nay.

Mô hình chăn nuôi lợn bản địa tại bản Cang, xã Mường Chanh, Mường Lát

 

Dệt thổ cẩm là nét đặc trưng của xã Mường Chanh, huyện Mường Lát

 

BBT