Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong việc hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, đẩy mạnh việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiến tới hình thành và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, đa dạng các loại hình phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, từ năm 2019, tỉnh Gia Lai đã triển khai thành lập mô hình “Nông hội”.

Theo đó, mỗi địa phương cần lựa chọn, xác định các loại hình sản xuất, kinh doanh; các làng nghề truyền thống; các loại hình dịch vụ, du lịch; nhất là các sản phẩm nông nghiệp là chủ lực, thế mạnh của địa phương để tập hợp, vận động người dân tham gia mô hình. Việc xây dựng mô hình “Nông hội” phải đảm bảo thực chất, bền vững, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tránh hình thức, chạy theo thành tích và phải mang lại lợi ích thực sự cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhằm triển khai thực hiện nội dung trên, huyện Chư Sê đã có nhiều chính sách, giải pháp để mô hình "Nông hội" đi vào cuộc sống. Đến nay huyện đã thành lập được 06 mô hình "Nông hội" gồm: Nông hội chăn nuôi dê xã Ia Ko, Nông hội trồng cây ăn trái xã Ia Blang, Nông hội trồng dâu nuôi tằm xã Ia Hlốp, Nông hội trồng lúa nước, Nông hội trồng dâu nuôi tằm thị trấn Chư Sê xã Dun, Nông hội trồng mía xã HBông. Hoạt động của các "Nông hội" này đã và đang đóng góp nhiều vào sự phát triển của nền nông nghiệp huyện.

Thành lập từ ngày 22/11/2019, Nông hội chăn nuôi dê xã Ia Ko là Nông hội đầu tiên của huyện gồm 14 thành viên với tổng đàn dê khoảng 150 con. Nông hội đã đề ra những nhiệm vụ: xây dựng các thành viên trở thành hạt nhân tiêu biểu về hoạt động nông nghiệp tiến bộ, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Nông hội trực tiếp liên kết với các đơn vị để tư vấn, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, giúp cho các thành viên chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao; liên kết trong chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm gắn với tạo thương hiệu dê của xã; vận động các thành viên có điều kiện hỗ trợ, đóng góp về vật chất, tinh thần để giúp đỡ cho các thành viên khác trong Nông hội và xã hội.

Thành viên Nông hội xã Ia Ko chăm sóc đàn dê

 

Đến nay Nông hội xã Ia Ko đã kết nạp thêm 7 thành viên so với lúc thành lập với quy mô tổng đàn dê trên 200 con. Đánh giá về những hoạt động của Nông hội, ông Phạm Xuân Anh Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Ko cho biết: “Qua một quá trình hoạt động, Nông hội về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Thông qua các buổi sinh hoạt, thành viên đã chia sẻ cho nhau những kiến thức, những kinh nghiệm đỡ đẻ cho dê, chăm sóc dê con ban đầu, nuôi vỗ béo dê thịt…, nhất là cách phòng ngừa dịch bệnh, hay những kinh nghiệm chữa bệnh cho dê bằng thuốc thú y cũng như cách chữa dân gian. Nhờ đó đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm áp dụng vào thực tế chăn nuôi dê của gia đình và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt giữa các hộ có sự trao đổi dê đực giống là một cách làm khoa học để tránh cận huyết gây thoái hóa giống. Khi các thành viên có nhu cầu bán con giống cũng như dê thịt, Nông hội chính là tổ chức giúp họ không bị thương lái ép giá vì giá cả luôn được các thành viên cập nhập hàng ngày”.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng từ diện tích tiêu già cỗi, chết, các hộ dân xã Ia Blang đã chủ động trồng các loại cây ăn trái như: mít, bơ, sầu riêng… Diện tích cây ăn quả trên địa bàn xã tương đối lớn và việc ra đời một Nông hội để các hộ dân trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch và tìm đầu ra sản phẩm là việc làm cần thiết. Nông hội trồng cây ăn quả xã IaBlang đã ra mắt vào tháng 8/2020 với sự tự nguyện tham gia của 42 hội viên nông dân và kết nạp thêm 20 nông dân nữa chỉ sau 2 tháng hoạt động. Nông hội đã có nhiều hoạt động cho hiệu quả thiết thực như: tổ chức tham quan mô hình trồng cây sầu riêng tại xã Ia Đreng huyện Chư Pưh nhằm học hỏi kinh nghiệm và hướng tới liên kết thành vùng sản xuất tìm thị trường đầu ra ổn định, lâu dài cho sản phẩm; giúp các hội viên có vườn bơ canh tác theo VietGAP ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với công ty TNHH một thành viên khoáng sản Phúc Thiên. Đến nay đã có 26 bảng hợp đồng được ký kết giữa hộ dân và Công ty với giá thu mua 15.000 đông/kg bơ.

Mô hình "Nông hội" trên địa bàn huyện tạo tiền đề phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, qua đó giúp người dân yên tâm sản xuất, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới./.

Uyên Ny

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Sê, Gia Lai