Các loại cây rau màu như dưa chuột, bí xanh, rau các loại đang được các địa phương khẩn trương hoàn thành kế hoạch gieo trồng sang sản xuất cây hàng hoá theo hợp đồng với các công ty thu mua nông sản trong và ngoài tỉnh. Riêng 100% diện tích dưa chuột, ngô ngọt, một phần bí xanh, bí đỏ, ngô nếp được ký hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu vụ, còn lại nông dân tự tiêu thụ, chủ động đầu ra.

Trong sản xuất các địa phương đã đẩy mạnh đưa cơ giới hoá vào gieo trồng lúa xuân với 49 chiếc máy đã thực hiện được 591ha, trong đó huyện Kim Bảng đạt nhiều nhất 311h; cấy lúa hiệu ứng hàng biên đạt 628ha, trong đó huyện Bình Lục chiếm chủ yếu 550ha. Đã thực hiện 7/9 mô hình ứng dụng giống cây trồng mới theo hướng tập trung gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm (5 mô hình giống lúa mới; 1 ngô; 1dưa chuột bao tử; 2 mô hình cỏ). Tiếp tục thực hiện được 51 cánh đồng mẫu với tổng diện tích 1.430,6ha và 65 mô hình sử dụng phân bón power ant với diện tích 1.625ha.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con xã Thanh Thuỷ huyện Thanh Liêm (Hà Nam) về cách sử dụng phân bón Power ant cho lúa

Thời gian qua trên cây lúa đã xuất hiện ốc bươu vàng với diện tích nhiễm 6.366ha, mật độ trung bình 0,5 - 1con/m2, nơi cao 7-10 con/m2. Đồng thời chuột gây hại rải rác trên lúa gieo thẳng, số ít trên rau màu xuất hiện sâu xám, bệnh lở cổ rễ, đốm lá trên cây ngô. Bệnh sương mai, thán thư trên chồi hoa lộc non trên cây ăn quả xoài, vải, nhãn. Rệp, nhện lông nhung hại cục bộ trên vải. Do nắm bắt kịp thời, theo sự hướng dẫn tuyên truyền của ngành, bà con xử lý tốt các diện tích bị hại, cụ thể: Thủ công bắt ốc và trứng 61.420kg ốc bươu vàng, tổ chức đánh diệt chuột từ 1-3 lần với lượng thuốc đã sử dụng  1893,5kg, xử lý hạt giống đạt vượt kế hoạch để phòng chống bệnh vi rút lùn sọc đen, 100% diện tích mạ dự phòng được phun trừ rầy lưng trắng môi giới truyền bệnh.

Hiện nay, cơ quan chức năng đã hướng dẫn bà con chuyển trọng tâm sang chăm sóc phòng trừ dịch hại cho cây trồng, như: bón phân cân đối, cảnh giác đề phòng bệnh lùn sọc đen, đạo ôn, khô vằn, ốc bươu vàng, chuột hại… Theo dự báo vụ xuân trong thời gian tới  cần tập trung phòng trừ một số dịch hại:

Trên lúa đề phòng sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 với sự trưởng thành vũ hoá rộ trung tuần tháng 4, sâu non nở rộ cuối tháng 4. Khả năng sâu non hại diện rộng trên các trà lúa giai đoạn phát triển đòng từ cuối tháng 4, đầu tháng 5, mật độ sâu non có thể hại ở mức cao hơn năm trước, có nơi trên 200 con/m2. Rầy nâu và rầy lưng trắng lứa 2 nở rộ trung tuần tháng 4, có khả năng hại diện rộng, mật độ phổ biến 600 - 800 con/m2, cao thì ở mức 5000 con/m2; lứa 3 rầy cám rộ từ giữa đến cuối tháng 5 gây hại cục bộ lúa giai đoạn ngậm sữa đỏ đuôi.

Bệnh lùn sọc là đối tượng trọng tâm trong vụ và tiềm ẩn, phát sinh từ đầu vụ đến cuối vụ, nhưng chủ yếu giai đoạn đẻ nhánh đến trỗ, trên nhiều giống.

Bệnh đạo ôn trên lá xuất hiện gây hại cục bộ trên các giống nhiễm nặng từ đầu tháng 3 trở đi, phát triển mạnh giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ từ sau 15/3, cao điểm hại từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 phân bố trên các giống lúa nhiễm nặng, lúa xanh tốt. Bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh từ cuối tháng 4, phát triển mạnh từ đầu đến giữa tháng 5 trên các giống nhiễm nặng.

Bệnh khô vằn phát sinh gây hại diện rộng trên tất cả các trà lúa, cao điểm gây hại từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5 giai đoạn lúa phát triển đòng đến chín sáp, những ruộng gieo cấy dày, bón phân không cân đối bệnh hại nặng.

Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát triển và gây hại cục bộ giai đoạn lúa phát triển đòng, tăng nhanh giai đoạn trỗ xong đến cuối vụ, đặc biệt sau những trận mưa dông, ruộng lúa xanh đậm, bón nhiều đạm hoặc bón đạm muộn bệnh hại nặng.

Ốc bươu vàng hại chủ yếu giai đoạn đầu vụ từ gieo cấy đến đẻ nhánh rộ trên diện tích trũng, đặc biệt trên lúa gieo thẳng. Chuột hại tiếp tục hại từ nay đến thu hoạch, hại chủ yếu giai đoạn đòng trỗ, nặng những ruộng cạn nước, ruộng ven gò đống.

Trên cây màu, cây ăn quả quan tâm đến các đối tượng như sâu đục thân ngô, bệnh giả sương mai, héo xanh, virut hại dưa bí; bệnh sương mai, thán thư, bọ xít hại nhãn vải; nhện đỏ, bệnh loét hại cây có múi.

Đồng thời làm tốt khâu điều tiết nước cho hợp lý, tạo thuận lợi cho lúa đẻ nhánh và chăm sóc lúa. Nâng cao hiệu quả hoạt động của BVTV, khuyến nông, các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện. Tăng cường kiểm tra, bám sát ruộng đồng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp để nắm bắt tình hình. Tích cực hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cấy lúa, lúa gieo thẳng theo đúng quy trình…

Mai Huê

Trung tâm Khuyến nông Hà Nam