Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Bộ Công thương thăm vùng sản xuất vải phục vụ xuất khẩu tại xã Thanh Quang (huyện Thanh Hà, Hải Dương)

 

Nhằm tạo điều kiện cho nông dân trồng vải được nâng cao kiến thức, trao đổi thảo luận với các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp về chủ trương chính sách và giải pháp khoa học công nghệ, chuyển giao TBKT trong phát triển diện tích cây vải thiều, nâng cao chất lượng và thúc đẩy tiêu thụ; xây dựng thương hiệu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối doanh nghiệp và người dân để liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, ngày 28/5/2022 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp "Nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn góp phần thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vải thiều Thanh Hà".

Diễn đàn có sự tham gia của các đơn vị quản lý, nghiên cứu và chuyển giao thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, 08 doanh nghiệp và đại diện các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phỏng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Lào Cai; cùng đông đảo phóng viên báo chí trung ương và địa phương đến dự và đưa tin.

Toàn cảnh Diễn đàn

 

Theo thông tin tại diễn đàn, năm 2021 tổng diện tích vải của cả nước đạt khoảng 55 nghìn ha, được trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Hà Nội, sản lượng hàng năm đạt trên 360 nghìn tấn. Tỉnh Hải Dương có khoảng 9.000 ha và sản lượng hàng năm ước khoảng 60.000 tấn.

Được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý từ năm 2007, đến nay vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế vinh danh về chất lượng và an toàn thực phẩm. Sản phẩm vải thiều Thanh Hà có sức tiêu thụ mạnh trong nước và được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Nhật Bản và các nước Trung Đông. Tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thương mại tìm kiếm mở rộng các thị trường xuất khẩu mới - ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương cho biết.

Theo ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sản xuất vải trong nước nói chung và tại Hải Dương nói riêng đã đạt được những thành tựu nhất định, sản phẩm vải thiều đã có mặt tại các thị trường cao cấp. Cùng với đó, hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường ngày càng khắt khe, do vậy đòi hỏi các địa phương cần ngày càng phải chú trọng tuân thủ về quy trình sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm quả vải.

Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu khai mạc Diễn đàn

 

Tại diễn đàn, các nhà khoa học, doanh nghiệp, đại diện hộ nông dân trồng vải đã cùng thảo luận đưa ra các giải pháp để nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng quả vải thiều Hải Dương. Các ý kiến tập trung về giải pháp quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong tình hình mới; các giải pháp về khoa học công nghệ, quy trình kỹ thuật chăm sóc (bón phân, xử lý ra hoa đậu quả, quản lý sâu bệnh đặc biệt là sâu đục cuống quả vải) nhằm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu; liên kết sản xuất và tiêu thụ; các quy trình xuất khẩu quả vải vào các thị trường cao cấp...

Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay, quả vải Việt Nam đã có mặt tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi thị trường đều có những tiêu chuẩn khắt khe riêng. Đơn cử, để sang được thị trường Nhật Bản, từ khi vải ra hoa đến thu hoạch phải có 100 ngày chăm sóc đặc biệt, qua 5 lần đánh giá tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kích thước quả đồng đều và đạt tiêu chuẩn 25-30 quả/kg, độ ngọt đảm bảo trên 18 độ Brix (ngọt xuất sắc).

Quá trình thu hái và sơ chế, bảo quản trước khi xuất khẩu phải tuân thủ quy định nghiệm ngặt. Sau khi thu hái, vải phải được vận chuyển ngay tới nhà máy để làm mát, khử khuẩn, tiệt trùng và bao gói, bảo quản trước khi xuất khẩu. Quá trình vận chuyển và lưu thông phải đảm bảo điều kiện bảo quản tối ưu (nhiệt độ 2-4 độ C; ẩm độ 90-95%) để đảm bảo quả vải giữ được độ tươi khi xuất khẩu.

Hải Dương có 96 mã số vùng trồng vải để xuất khẩu

 

Nhằm đảm bảo các quy định của các nước nhập khẩu, tính đến thời điểm hiện nay, cả nước đã xây dựng được 297 mã số vùng trồng vải để xuất khẩu đi các thị trường chính. Cụ thể: Bắc Giang 197 mã vùng (xuất đi Trung Quốc 149 mã; đi Mỹ, Úc, EU 18 mã; đi Nhật Bản 30 mã); Hải Dương 96 mã (xuất đi Trung Quốc 63 mã; đi Mỹ 13 mã; đi Nhật Bản 11 mã; đi Thái Lan 9 mã); Hưng Yên và Quảng Ninh có 4 mã.

“Với kết quả xây dựng mã số vùng trồng nêu trên cho thấy chúng ta đã có nền tảng cơ sở để xuất khẩu quả vải là rất thuận lợi” – ông Duy nhận định.

Ông Bùi Văn Thăng cho biết, niên vụ vải năm 2022, Hải Dương tiếp tục duy trì 41 vùng vải tiêu chuẩn VietGAP với diện tích là 500 ha và 11 vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 110 ha, ngoài ra có gần 6.000 ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và GAP cơ bản. Hàng năm, tỉnh sẽ đánh giá và cấp chứng nhận vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, cấp mã số vùng trồng vải để truy xuất nguồn gốc từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh cho vải thiều và phụ vụ xuất khẩu. Đồng thời, chuyển đổi các vùng vải trồng xen giữa giống vải chính vụ với giống chín sớm thành những vùng sản xuất cùng một giống hoặc cùng nhóm giống có cùng thời gian thu hoạch để thuận lợi cho ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Tỉnh cũng tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ cơ sở, các hộ nông dân nắm được những tiêu chuẩn, quy định về kiểm dịch thực vật  và an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước nhập khẩu. Hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật chăm sóc vải; ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và tiêu thụ vải...

Giải pháp về xúc tiến thương mại và tiêu thụ, tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm vải thiều Hải Dương kết hợp với quảng bá xúc tiến du lịch; ứng dụng công nghệ số hóa thông tin sản phẩm để người tiêu dùng dễ dàng tra cứu truy xuất nguồn gốc. Hải Dương cũng tích cực mời gọi doanh nghiệp đến thăm vùng sản xuất, bàn biện pháp liên kết tiêu thụ vải; song song với khai thác tốt thị trường truyền thống thì mở rộng các thị trường xuất khẩu cao cấp…

Ánh Nguyệt

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia