Thực tế cho thấy, những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã khiến cho nông dân gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất. Rất nhiều vụ người nông dân đành “ngậm đắng nuốt cay” chịu mất trắng hàng chục đến hàng trăm ha lúa và rau màu do thiên tai ập đến. Mặt khác, thời tiết với những bất lợi luôn xảy ra, nếu như không có biện pháp kĩ thuật tác động kịp thời và tích cực sẽ không đảm bảo được năng suất cây trồng, vật nuôi. Vì vậy, Trạm Khuyến nông Nam Sách luôn nỗ lực chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với bà con.

Công tác tập huấn kĩ thuật cho nông dân được Trạm triển khai từ cấp xã, thị trấn đến khu dân cư, thôn xóm, ngay tại ruộng đồng, chuồng trại. Các cán bộ khuyến nông đều hăng say, nhiệt tình, trau dồi kiến thức, năng động và sáng tạo trong phương pháp, có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm về kĩ thuật sản xuất nhằm tác động vào cây trồng, vật nuôi giúp giảm thiểu được những rủi ro trước bất lợi của thời tiết.

Một buổi tập huấn hiện trường cho nông dân của cán bộ khuyến nông Nam Sách

Ngoài việc trực tiếp đứng lớp giảng dạy nông dân, cán bộ khuyến nông Nam Sách còn tích cực viết bài kĩ thuật nhằm thông tin tuyên truyền qua đài, báo. Chủ đề những bài viết này đều tập tung vào những kinh nghiệm trong nghề, nêu lên những điển hình nông nghiệp, mô hình tiên tiến của địa phương cũng như những khó khăn trong sản xuất và cách tháo gỡ...

Với vai trò là cơ quan chuyên môn thực hiện các mô hình tiên tiến mang tính chất trình diễn cho nông dân, Trạm Khuyến nông Nam Sách luôn tìm tòi kinh nghiệm trong sản xuất, các cây, con giống mới để thực hiện các mô hình điển hình nhất.

Năm 2017, Trạm đã tổ chức thành công và nhân ra diện rộng mô hình cây dưa kim sản xuất ngoài đồng ruộng. Đây là một cây trồng mới đối với nông dân huyện nhà nhưng cho giá trị kinh tế rất cao. Tính đến nay, toàn huyện cây dưa kim thâm canh ở các vụ, trung bình đã đạt được trên 30 ha/vụ, năng suất trung bình đạt khoảng 7 tạ/sào (360m2), cho thu lãi từ 8- 12 triệu đồng/sào/vụ.

Ngoài ra mô hình về các giống lúa mới cũng được Trạm tuyển chọn và đưa vào trình diễn từ 5- 7 mô hình/năm để làm căn cứ cho huyện nhà bổ sung vào cơ cấu.

Trong 3 năm, từ 2016- 2018, Trạm cùng với Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương thực hiện mô hình nuôi vịt ngan thương phẩm theo hướng an toàn sinh học với những giống vịt, ngan mới được chọn tạo. Mô hình được người chăn nuôi đánh giá rất cao và đang được nhân ra diện rộng.       

Nhờ sự hoạt động tích cực của mọi thành viên trong Trạm và hệ thống khuyến nông viên cơ sở, nông dân trong toàn huyện Nam Sách luôn được gần gũi với cán bộ khuyến nông từ nơi ruộng đồng, chuồng trại đến khu dân cư văn hóa, thôn, khu dân cư.

Kết quả là, hầu hết nông dân các xã, thị trấn đã hiểu biết được nhiều về kĩ thuật nông nghiệp, áp dụng thành công những biện pháp kĩ thuật mà cán bộ khuyến nông huyện khuyến cáo.

Do đó, năng suất lúa của huyện nhà luôn đạt cao nhất nhì toàn tỉnh trong nhiều năm gần đây (65- 67 tạ/ha). Các cây rau màu có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất với một diện tích phát triển vượt bậc qua các vụ/năm. Tính đến năm 2017 toàn huyện đã có khoảng 800 ha diện tích chuyên trồng rau màu tại các xã. Rất nhiều hộ nông dân thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm là nhờ vào thâm canh các cây trồng có giá trị như cà rốt, hành tỏi, cà chua...

Trong chăn nuôi, các hộ cũng được cán bộ chuyên ngành chăn nuôi, thú y từ Trạm đến cơ sở tư vấn thường xuyên ở mỗi lứa gà, đàn lợn hay nuôi bò hiệu quả, phòng bệnh cho gia súc, gia cầm đạt kết quả cao... Từ khâu chọn giống, chọn và phối trộn thức ăn hay dùng thuốc phòng trị bệnh..., các đồng chí cán bộ khuyến nông Nam Sách đều rất am hiểu, đi sâu vào thực tế, hướng dẫn người nuôi tận tình tỉ mỉ. Đã có nhiều kĩ sư chăn nuôi vừa làm khuyến nông viên vừa chăn nuôi lợn, gà với quy mô lớn doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây chính là mô hình tiên tiến, điển hình nhất để cán bộ khuyến nông khuyến cáo nông dân làm theo khi thành công cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm khi gặp phải khó khăn, trắc trở.

Với sự đồng lòng quyết tâm, cố gắng vượt qua những khó khăn trong nghề của cán bộ khuyến nông huyện và khuyến nông viên cơ sở, Trạm Khuyến nông Nam Sách đã tự khẳng định mình trong nhiệm vụ, chức năng của một cơ quan chuyên môn là: “Nâng cao kĩ thuật cho nông dân”.   

                                                                                                                                    Trần Thị Liên

Trạm Khuyến nông Nam Sách, Hải Dương