Tham gia lớp tập huấn, các học viên được các giảng viên là các tiến sỹ, thạc sỹ giàu kinh nghiệm có nhiều năm công tác tại Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên cung cấp những thông tin về các tiến bộ kỹ thuật mới về các nội dung như: Giới thiệu các giống thủy cầm; Các phương thức chăn nuôi theo hướng ATSH hiện nay đang áp dụng tại Việt Nam; Kỹ thuật chăn nuôi thủy cầm ATSH qua các giai đoạn (thủy cầm con, hậu bị và sinh sản); Kỹ thuật ấp trứng thủy cầm; Công tác thú y trong chăn nuôi thủy cầm; Một số bệnh thường gặp và cách phòng trị trong chăn nuôi thủy cầm; Hạch toán kinh tế trong chăn nuôi thủy cầm.

Với phương pháp giảng dạy có sự tham gia, giảng viên đưa ra các vấn đề, các tình huống và các câu hỏi gợi mở đã thu hút được sự tham gia nhiệt tình của các học viên, các học viên đã chia sẻ những kinh nghiệm quý trong chăn nuôi thủy cầm, đã tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn sản xuất.

Ngoài học tập và trao đổi trên lớp, các học viên còn được đi thăm quan, thực hành tại Trại Chăn nuôi thủy cầm và lò ấp của Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, và một số mô hình sản xuất vịt của các hộ dân gần đó. Thông qua tham quan, các học viên đã củng cố được nhiều kiến thức về các vấn đề nhận dạng con giống, chuồng trại và mật độ hợp lý cho thủy cầm qua từng giai đoạn, tỷ lệ ghép đực mái cho thủy cầm giai đoạn sinh sản, đặc biệt là các biện pháp cách ly an toàn đối với khách tham quan, dụng cụ, vật trung gian truyền bệnh và khu nuôi cách ly thủy cầm mới nhập và thủy cầm ốm…. Trong chương trình tập huấn, các học viên còn được đi thăm quan thực tế tại các gia trại chăn nuôi thủy cầm chưa áp dụng hoặc áp dụng chưa triệt để các biện pháp an toàn sinh học, từ đó để có sự so sánh, phân biệt về kết quả và hiệu quả an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi thủy cầm.

Tại lễ bế giảng, ông Kiều Tiến Xe, một chủ hộ có nhiều năm trong nghề chăn nuôi thủy cầm, học viên lớp tập huấn cho biết: “Gia đình tôi và nhiều hộ khác vẫn nuôi vịt theo phương pháp truyền thống như nuôi nhốt, nuôi thả đồng theo hướng tự phát, nhỏ lẻ, xây dựng chuồng trại tạm bợ ở những vị trí không an toàn, không đúng với yêu cầu kỹ thuật.... Hơn nữa, chúng tôi vẫn chỉ biết độc canh về cây lúa chưa biết nuôi xen con vịt trên cùng đồng ruộng, thường chỉ chăn thả vịt trên đồng khi đã thu hoạch xong lúa nhằm tận thu lượng lúa rơi vãi và cua, ốc. Việc chăn thả như vậy khiến chúng tôi tốn nhiều công quản lý, chăm sóc mà chỉ tận dụng được trong giai đoạn ngắn, năng suất thường đạt thấp, không hiệu quả, đặc biệt là dễ gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến nguy cơ nhiễm bệnh cho đàn vịt và dịch bệnh dễ phát triển. Nay được tham gia lớp tập huấn, được nghe các giảng viên giảng giải, được trao đổi với các học viên khác, được thăm quan, thực hành, đã giúp tôi hiểu được về chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Sau khóa học, tôi sẽ áp dụng vào chăn nuôi của gia đình mình, đồng thời tuyên truyền hướng dẫn các hộ chăn nuôi vịt khác làm theo nhằm mang lại hiệu quả chăn nuôi cao và đảm bảo sức khỏe cho người chăn nuôi và cộng đồng”.

Trần Cảnh

 Trung tâm Khuyến nông Hải Dương