Đến khu đồng sau trại của thôn Bá Đại xã Trùng Khánh, huyện Gia Lộc (Hải Dương), bà con đang tỉa dặm lúa gieo thẳng. Gặp bà Nguyễn Thị Lan, bà hồ hởi cho biết: “Xã Trùng Khánh chúng tôi không còn cấy lúa mà chỉ gieo thẳng. Vụ xuân năm nay gieo cấy nhẹ tênh các bác ạ, chưa năm nào tôi thấy mùa đông ấm như năm nay, ruộng đất được ải nỏ, ngâm ủ và gieo cấy chẳng khác gì vụ mùa, lúa gieo thẳng được bón lót đầy đủ. Thôn chúng tôi gieo từ ngày 25 tháng Chạp đến mồng 4 Tết là xong, thời tiết thuận lợi, lúa lên rất nhanh. Gia đình tôi có 6 sào, hôm nay tỉa dặm và bón thúc nốt cho thửa cuối cùng. Thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật khuyến nông, sau gieo 1 ngày trừ cỏ bằng thuốc Sofit, trước khi tỉa dặm 3 – 4 ngày bón thúc nhẹ, sau tỉa dặm bón trung bình 1 sào  (360m2) là 3 – 4 kg phân Ure và 3 kg Kali hoặc sử dụng phân NPK chuyên dùng cho bón thúc đẻ nhánh. Tỉa dặm khi lúa được 3,5 – 4 lá, mật độ lúa thuần 100 dảnh/m2, lúa lai như 27P31 là 80 dảnh/m2, đưa nước nông để lúa đẻ nhánh tốt. Ruộng bị rêu rớt rắc 20kg vôi bột/sào. Tôi và các gia đình khác trong thôn thường xuyên nghe các Thông báo chỉ đạo sản xuất trên loa đài và thực hiện theo hướng dẫn”.

Bà Trần Thị Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thống Nhất: “Vụ xuân năm 2017, toàn xã gieo cấy 320 ha và đã hoàn thành xong trước ngày 12 tháng 2 với cơ cấu giống 100% các giống lúa ngắn ngày, chủ lực là các giống lúa chất lượng như: Bắc thơm số 7, TBR225, Thiên ưu 8. Trên 95% diện tích là gieo thẳng và cấy mạ nền. Hội Nông dân xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân trước khi bước vào vụ gieo cấy, chỉ đạo các chi hội và hội viên tập trung chăm bón lúa xuân theo hướng dẫn kỹ thuật của Trạm Khuyến nông”.

Ông Vũ Chí Chương, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Thống Kênh cho biết: “Vụ đông xuân năm nay 2016 - 2017, diễn biến thời tiết bất thường, thời tiết ấm, mạ lên nhanh. Tháng 2 nhiệt độ cao, mưa ít, rét hanh khô một số ngày nên diện tích lúa cấy và gieo thẳng gặp không khí lạnh khô nên lúa hồi xanh chậm. Theo kinh nghiệm, những vụ đông xuân ấm thường năng suất lúa không cao, thậm chí có năm còn mất mùa như năm 1991. Bài học kinh nghiệm rút ra từ ứng phó với vụ đông xuân ấm năm 1998 thắng lợi, để lúa xuân đẻ nhánh sớm và kéo dài thời gian sinh trưởng, bông to mặc dù mạ đã cứng tuổi, hạn chế giai đoạn lúa trỗ bông gặp không khí lạnh cuối vụ ảnh hưởng đến năng suất, Hợp tác xã đã tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn xã viên bón thúc đẻ nhánh sớm, bón cân đối đạm, lân, kali, bón tăng lượng đạm so với các vụ trước từ 10 – 15%, chỉ đạo tổ thủy nông bảo đảm đủ nước để nông dân chăm bón, cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện và thông báo kịp thời tình hình sâu bệnh gây hại lúa xuân để nông dân phòng trừ đạt hiệu quả cao”.

Nông dân tập trung chăm sóc lúa xuân

UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, phân công cán bộ xuống cơ sở chỉ đạo và hướng dẫn nông dân tập trung chăm bón và bảo vệ lúa xuân, Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi và các Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp bảo đảm tưới tiêu cho đồng ruộng, các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra giám sát thị trường phân bón và thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng vật tư nông nghiệp, quyết tâm giành thắng lợi vụ đông xuân trên các mặt diện tích, năng suất và giá trị.

Bùi Văn Viện

Trạm Khuyến nông huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương