Nội dung tập huấn gồm: Giới thiệu về chăn nuôi công nghệ cao; Giới thiệu, ứng dụng các TBKT, công  nghệ cao để phát triển ngành chăn nuôi hiệu quả, bền vững và phù hợp tại Hậu Giang; Ứng dụng các TBKT trong việc thực hiện chăn nuôi theo chuỗi, chăn nuôi theo VietGAP.

Hoạt động chăn nuôi ở Hậu Giang chủ yếu ở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, nuôi tự phát không theo quy hoạch. Đa số các hộ chăn nuôi chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật, tiêm phòng dẫn đến tình hình dịch bệnh diễn ra khá phức tạp và chưa kiểm soát được hoàn toàn tình hình dịch bệnh. Để giúp định hướng cho Hậu Giang phát triển chăn nuôi một cách bền vững thì việc cải thiện nguồn con giống, cải thiện phương pháp chăn nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi là vấn đề hết sức cấp thiết.

Tại lớp tập huấn các học viên đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận các vấn đề khó khăn thường gặp trong chăn nuôi thực tế. Đặc biệt, tại lớp tập huấn này giảng viên và học viên cũng được tham quan mô hình nuôi gà trong lồng trên đệm lót sinh học của hộ chị Lê Thị Huê, ấp 8, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ giúp cho học viên thấy được lợi ích của chăn nuôi áp dụng tiến bộ mới, vừa giảm chi phí đầu tư, giảm công chăm sóc và hiệu quả mang lại thiết thực cho người nuôi.

Qua bài kiểm tra cuối khóa, số học viên đạt tỷ lệ khá – giỏi là 81% (so với bài kiểm tra đầu khóa tỷ lệ yếu - kém đạt 72%), cho thấy học viên đã cập nhật được những tiến bộ mới qua các nội dung bài giảng. Học viên rất tâm đắc với chủ đề tập huấn và mong muốn tiếp tục được chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi những tiến bộ kỹ thuật mới, nâng cao hơn ở các khóa tập huấn tiếp theo.

Thời điểm tổ chức lớp cũng rất phù hợp do tỉnh Hậu Giang đang triển khai thực hiện đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi” phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có hợp phần liên quan đến chăn nuôi. Những thông tin, kiến thức vừa tiếp cận là cơ sở để cộng tác viên khuyến nông có thể vận dụng ngay vào thực tế hỗ trợ tuyên truyền cho nông dân. 

 Nguyễn Thị Kiều Tiên

Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang