Với vai trò là thành viên của Nhóm Công tác ASEAN về Đào tạo nông nghiệp và khuyến nông (AWGATE), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) đã tham gia các cuộc họp thường niên hàng năm và diễn đàn của AWGATE lần thứ 22 tổ chức tại Myanma. Hệ thống Khuyến nông Việt Nam đồng thuận với các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục duy trì mạng lưới thông tin giữa các quốc gia về chuyển giao công nghệ tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp và tăng cường đào tạo khuyến nông nhằm mang lại lợi ích cho các nước thành viên và khu vực. Đồng thời, cũng cam kết thực hiện các chương trình đào tạo nông nghiệp và khuyến nông trong khuôn khổ các nước ASEAN nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác trong nông nghiệp giữa các quốc gia ASEAN giúp nâng cao vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên trường khu vực và thế giới.

Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thường xuyên đón tiếp và trao đổi công tác khuyến nông với các đoàn đại biểu khuyến nông và nông nghiệp Lào, Thái Lan, Myanma, Philippin và các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, Đoàn cán bộ lãnh đạo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và một số Trung tâm Khuyến nông các tỉnh/thành phố đã có chuyến khảo sát, học tập được nhiều thông tin và kinh nghiệm bổ ích về tổ chức, cơ chế chính sách và phương thức hoạt động khuyến nông của Vương quốc Thái Lan.

Đoàn cán bộ khuyến nông Việt Nam thăm khu trưng bày sản phẩm của nhóm phụ nữ nông dân tỉnh Chainat, Thái Lan

Mặt khác, thực hiện Chương trình hợp tác giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Lào về lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2015, Trung tâm đang tiếp tục triển khai Dự án:“Hỗ trợ xây dựng Trung tâm dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp tỉnh Xiêng Khoảng của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào”, tập trung hỗ trợ về cơ sở vật chất kỹ thuật và tăng cường năng lực cho lực lượng cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, cấp huyện của tỉnh Xiêng Khoảng.

Năm 2015, khi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định TPP) được xây dựng và ký kết, nông nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Bên cạnh nhiều mặt hàng nông sản có lợi thế cạnh tranh thì các sản phẩm chăn nuôi lại đứng trước thách thức lớn về sức cạnh tranh, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu thức ăn và giống mới từ nước ngoài; tình hình dịch bệnh khó kiểm soát, nhận thức của người chăn nuôi về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm còn hạn chế… Trước tình hình cấp bách đó, Chương trình hợp tác quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam các dự án xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất giúp nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, kiểm soát chất lượng và dịch bệnh. Điển hình, dự án hợp tác với Hà Lan “Nâng cao giá trị chuỗi thịt lợn Việt Nam theo định hướng Quốc tế: Chương trình A – G2G: Kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm trong chuỗi thịt lợn”. Đây là dự án đầu tiên hợp tác theo cơ chế Công Tư (Public Private Partneship = PPP). Dự án hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị đối với mặt hàng thịt lợn ở Việt Nam, định hướng các mô hình khuyến nông gắn với chuỗi sản xuất hàng hóa thịt lợn. Thông qua đó, bà con sẽ nắm được những kiến thức về chăn nuôi lợn theo chuỗi. Cách quản lý chăn nuôi và chất lượng sản phẩm thông qua tập huấn các kiến thức về ngăn chặn chất cấm và tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thịt lợn. Đồng thời, thông qua dự án này, vai trò của cán bộ khuyến nông được nâng cao trong công tác tư vấn dịch vụ trang trại - khâu quan trọng đầu tiên của chuỗi sản phẩm thịt lợn. Thông qua dự án các hoạt động về công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người chăn nuôi đối với thực phẩm an toàn được đẩy mạnh.

Tiếp theo là dự án “Giảm thiểu rủi ro và quản lý các mối nguy đe dọa đến sức khỏe con người theo chuỗi giá trị động vật - EPT2” (OSRO/RAS/402/USA), do cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO). Mục tiêu dự án là nâng cao vai trò của hệ thống khuyến nông trong giảm thiểu rủi ro và hỗ trợ quản lý việc lan truyền bệnh chung giữa người và động vật dọc theo chuỗi giá trị thông qua các hoạt động thông tin tuyên truyền và đào tạo. Nội dung khuyến nông thực hiện chủ yếu tập trung vào chương trình về quản lý đàn gia cầm bố mẹ (ở các tỉnh phía Bắc) và quản lý vịt chạy đồng (ở các tỉnh phía Nam) đã góp phần giảm nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm và các bệnh nguy hiểm lây sang người.

Trong năm, Chương trình học bổng Cochran 2015 của Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh được học tập về công nghệ chăn nuôi lợn tại Hoa Kỳ, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của hệ thống khuyến nông cấp bang (cấp tỉnh), mối liên kết giữa đào tạo, nghiên cứu, khuyến nông và sản xuất nông nghiệp cấp hộ gia đình… giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Từ kết quả của chương trình này, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức 2 hội thảo giới thiệu tiến bộ kỹ thuật về lĩnh vực giống, chế biến thức ăn, an ninh sinh học và thú y, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ thông tin vào chăn nuôi …. ở các nước tiên tiến trên thế giới để tham khảo, tìm hiểu và ứng dụng phục vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi ở  nước ta.

Có thể nói, hoạt động hợp tác quốc tế đã mang lại những cơ hội lớn để Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và hệ thống khuyến nông Việt Nam mở rộng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về sản xuất nông nghiệp nói chung và hoạt động khuyến nông nói riêng. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế giúp cán bộ khuyến nông các cấp và bà con nông dân có đủ kiến thức, kỹ năng phát triển sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực.

TS. Hạ Thúy Hạnh

PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia