TS. Trần Văn Khởi - Q.GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT); đại diện lãnh đạo và các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, UBND huyện Quốc Oai; Hội Nông dân các huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ; các HTX, hội sản xuất và kinh doanh nhãn chín muộn, 20 doanh nghiệp và 30 nông dân sản xuất giỏi xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) cùng một số cơ quan báo chí.

Nhãn chín muộn Hà Nội là một trong những loại cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao, cho thu hoạch rất muộn, thời gian thu hoạch từ 20/8 đến 25/9 hàng năm (muộn hơn so với các giống nhãn đại trà 1 tháng). Hiện, cây nhãn đứng thứ 3 trong số các cây ăn quả chiếm diện tích lớn tại Hà Nội với 1.994ha, trong đó cây nhãn chín muộn đạt khoảng 500 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Quốc Oai (155ha) và Hoài Đức (150ha). Sản lượng nhãn chín muộn hàng năm đạt từ 8.000 - 10.000 tấn, thu nhập bình quân 300 - 400 triệu đồng/ha/năm, một số vườn tiêu biểu cho thu nhập trên 700 - 1.000 triệu đồng/ha/năm.

Các đại biểu tham quan mô hình thâm canh nhãn chín muộn tại hộ ông Nguyễn Văn Diễn (thôn Đại Tảo, xã Đại Thành, huyện Quốc Oai)

Thực hiện Đề án phát triển một số loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016, từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã triển khai đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ nhãn chín muộn. Trung tâm đã xây dựng được các mô hình thâm canh, thâm canh theo VietGAP, ghép cải tạo, trồng mới và chăm sóc nhãn chín muộn đạt 235 ha. Trong đó, thâm canh 100 ha, thâm canh theo VietGAP 55ha, trồng mới 50 ha, ghép cải tạo 10 ha, chăm sóc năm thứ hai 20 ha. Thông qua tập huấn, nông dân có tư duy, trình độ, năng lực mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trồng, thâm canh cây nhãn.

Để đẩy mạnh tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nhãn chín muộn, hàng năm Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội nghị hợp tác 4 nhà để làm cầu nối giữa doanh nghiệp, siêu thị về tiêu thụ sản phẩm nhãn chín muộn cho các nông dân trong vùng sản xuất; hỗ trợ xây dựng và phát triển 2 nhãn hiệu tập thể: Nhãn chín muộn Hoài Đức (do Hội Sản xuất và Kinh doanh nhãn chín muộn Hoài Đức làm chủ sở hữu) và Nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai (do HTXNN Đại Thành làm chủ sở hữu);…

Ông Nguyễn Huy Anh - Chủ tịch UBND xã Đại Thành cho biết, năm nay nhãn Đại Thành được mùa, với 115ha/155ha đang cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 2.000 tấn. Trong đó, 25 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với  năng suất ước đạt 22 tạ/ha. Sản phẩm nhãn chín muộn chủ yếu do nông dân tự tiêu thụ thông qua tư thương nên giá bấp bênh. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội (khoảng 10 - 20% quả được tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị).

Lãnh đạo Sở NNPTNT Hà Nội trao Giấy chứng nhận sản phẩm nhãn chín muộn đạt tiêu chuẩn VietGAP cho HTXNN Đại Thành (diện tích 25ha, sản lượng 500 tấn/năm)

Tại hội nghị, bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart) cho biết, nhãn chín muộn Đại Thành đang được bán thử tại hệ thống siêu thị Fivimart được người tiêu dùng rất ưa chuộng, tươi ngon, chất lượng tốt. Tuy nhiên, sản phẩm nhãn Đại Thành vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến.

TS. Trần Văn Khởi - Q.GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, bên cạnh việc nâng cao năng suất, chất lượng bằng việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, sản xuất đảm bảo an toàn, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để không chỉ người tiêu dùng trong nước mà cả nước ngoài biết đến, tiến tới xuất khẩu sản phẩm nhãn chín muộn Đại Thành, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho cây nhãn, tăng thu nhập cho nông dân địa phương.

Lễ ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nhãn chín muộn Đại Thành giữa HTX NN Đại Thành với một số doanh nghiệp

Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết tiêu thụ nhãn chín muộn giữa HTXNN Đại Thành với một số doanh nghiệp, siêu thị kinh doanh nông sản an toàn trên đại bàn Hà Nội: Công ty Cổ phần Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart), Công ty Thực phẩm sạch Cleverfood và Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Phúc Hậu...

Ánh Nguyệt