Những năm gần đây, nghề sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh ngày càng phát triển, hàng trăm làng nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống được khôi phục, hình thành nhiều cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh các loại hoa, cây cảnh, chim cảnh, cá cảnh với nhiều loại sản phẩm giá trị cao hàng tỷ đồng hoặc hàng chục tỷ đồng/sản phẩm và có xu hướng phát triển rộng với số lượng và chất lượng ngày càng cao, mang lại thu nhập khá lớn cho nền kinh tế của đất nước. 

Theo số liệu của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, đến nay diện tích sản xuất sinh vật cảnh tập trung và phân tán của cả nước đạt trên 50.000 ha, trong đó diện tích tập trung khoảng 34.400 ha chuyên trồng hoa, cây cảnh. Tình hình xuất nhập khẩu sinh vật cảnh cũng phát triển ngày càng mạnh mẽ: Theo Bộ Công Thương, những năm gần đây chỉ tính riêng diện tích hoa tươi cắt cành của Việt Nam hàng năm là khoảng 11.000 ha với 4,5 tỷ cành/năm, trong đó đã xuất khẩu được khoảng 1 tỷ cành. Các trung tâm lớn sản xuất hoa là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng và các vùng lân cận, đã đem lại nguồn ngoại tệ lớn đồng thời đem lại thu nhập cao cho người sản xuất.

Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn ban hành ngày 12/4/2018 đã xác định hoạt động sinh vật cảnh là một nghề trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn cần được bảo tồn, phát triển. Cùng với chủ trương hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng của nước ta thì nghề trồng hoa và sinh vật cảnh có điều kiện thuận lợi để phát triển với nhiều sản phẩm sinh vật cảnh của Việt Nam có thể xuất khẩu đem lại giá trị cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể tiếp nhận những sản phẩm có giá trị phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và công nghệ sản xuất tiên tiến từ các nước trên thế giới. Đây là cơ hội rất lớn để ngành nghề sinh vật cảnh hội nhập sâu rộng, phát triển và đem lại hiệu quả cao hơn.

Cùng với sự phát triển của ngành nghề sinh vật cảnh, Hội sinh vật cảnh Việt Nam và các tổ chức Hội các cấp cũng từng bước phát triển ở khắp các địa phương trên cả nước, đến nay đã có 57 Hội thành viên cấp tỉnh, trên 400 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và 6.062 xã, phường, thị trấn có Hội sinh vật cảnh cơ sở với trên 350.000 hội viên, hơn 4.600 doanh nghiệp, HTX, trang trại, hơn 11.000 nhà vườn, 46 làng nghề sinh vật cảnh được Nhà nước công nhận. Sự phát triển của kinh tế sinh vật cảnh trong nhiều năm qua không những đem lại giá trị văn hóa, tinh thần cho người dân mà đã thực sự trở thành một ngành kinh tế đem lại giá trị cao không những ở khu vực đô thị mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở khu vực nông thôn và góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương.

TS Trần Văn Khởi - GĐ TTKNQG phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Bộ và các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian qua đã luôn quan tâm chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện để nghề sinh vật cảnh phát triển, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của Ngành nông nghiệp nói chung và đem lại những lợi ích về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường cho đất nước. Tuy nhiên, những kết quả đạt được của ngành nghề sinh vật cảnh khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Do vậy, việc ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ và Hội là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào phát triển sinh vật cảnh trên phạm vi cả nước. Đồng chí cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu, ban hành những cơ chế, chính sách, đề án phát triển nhằm khai thác được hết các tiềm năng, thế mạnh về sinh vật cảnh của nước ta, giúp cho nghề sinh vật cảnh phát triển một cách căn cơ, toàn diện và bền vững.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam nói riêng và các tổ chức, cá nhân làm nghề sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh nói chung trong cả nước. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hình thành và phát triển nhưng Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và các hội viên đã nỗ lực, cố gắng vượt qua và từng bước phát triển lớn mạnh. Nghề sinh vật cảnh ban đầu mới chỉ là sở thích của một số người yêu sinh vật cảnh với mong muốn cống hiến, góp phần bảo tồn truyền thống và bản sắc văn hóa của dân tộc, bảo vệ, tôn tạo cảnh quan môi trường đến nay đã trở thành một nghề được pháp luật công nhận (Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ) để đáp ứng nhu cầu của người dân trong quá trình xây dựng một xã hội hiện đại, văn minh. Nghề sinh vật cảnh ban đầu chỉ là thú vui tao nhã của một số người cao niên thì nay đã trở thành phổ biến trong đời sống xã hội với sự tham gia của mọi lứa tuổi, mọi thành phần kinh tế, từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp với đội ngũ các nghệ nhân lành nghề, các làng nghề, HTX, doanh nghiệp, mang lại giá trị cao cả về kinh tế, văn hóa và tinh thần cho xã hội. Tiềm năng phát triển của nghề sinh vật cảnh nước ta còn rất nhiều, do vậy trong thời gian tới cần nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển nghề sinh vật cảnh một cách toàn diện, bền vững để sinh vật cảnh trở thành một trong những nghề đem lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao và có những tác động, bổ trợ tốt cho sự phát triển của Ngành Nông nghiệp.

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa hai Cơ quan trong giai đoạn tới. Bộ trưởng giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là đơn vị thường trực, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và Hội để tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động phối hợp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy nghề sinh vật cảnh phát triển ngày càng tốt hơn.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa hai Cơ quan

Bá Tiến – Nguyễn Sâm

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia