Trong những năm vừa qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã lây lan rất nhanh từ nước này qua nước khác trên thế giới. Như bệnh đã xảy ra tại Liên bang Nga, sau đó đã được phát hiện mầm bệnh, ổ dịch tại các nước như Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ, nên nguy cơ dịch bệnh lây lan sang Việt Nam và các nước khác là rất cao (có thể thông qua vật chủ trung gian như chim di cư tiếp xúc với lợn chết, có mầm bệnh được mang từ nơi này, nơi khác như trường hợp phát hiện lợn rừng chết vì DTLCP trên đảo hoang không người ở tại Đài Loan). Mặt khác, một số nước xung quanh Việt Nam có thể đã có DTLCP nhưng chưa báo cáo, thông tin chính thức, nên chưa tổ chức có hiệu quả các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tại nước ta, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi là khá phổ biến, nên nếu chủ chăn nuôi sử dụng các sản phẩm thịt lợn dư thừa sẽ dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.

Ngày 19/02/2019, Cục Thú y tổ chức họp báo thông tin về bệnh DTLCP lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.

Ngày 28/02/2019, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị "Thống nhất các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi" do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì.

Theo báo cáo tại Hội nghị, tính đến ngày 27/02/2019, DTLCP xảy ra tại 96 hộ, 33 thôn, 20 xã, 13 huyện của 6 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam); tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 2.349 con (với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 172.505 kg) và đã gây ra tổn thất hàng chục tỷ đồng.

Toàn cảnh Hội nghị

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành Công điện khẩn 1237/CĐ-BNN-TY ngày 22/02/2019 gửi các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường kiểm soát buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn để phòng, chống bệnh DTLCP.

Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo Cục Thú y cũng ban hành hàng chục văn bản hướng dẫn công tác phòng, chống bệnh như thành lập 8 đội phản ứng nhanh, hướng dẫn lấy mẫu, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm,…

Đến nay, tất cả 8 phòng thử nghiệm của Cục Thú y đã thực hiện tốt việc xét nghiệm bệnh DTLCP bằng kỹ thuật Real- time PCR, PCR thường, ELISA và giải trình tự gien; kết quả xét nghiệm bệnh DTLCP có thể có trong 03-05 giờ kể từ khi hận được mẫu; hiện có đủ nguyên vật liệu để xét nghiệm trên 25.000 mẫu và sắp tới sẽ tiếp tục được FAO hỗ trợ nguyên vật liệu.

Hội nghị cũng đã chỉ ra những tồn tại, bất cập trong công tác phòng chống dịch. Trong đó, việc sáp nhập các cơ quan thú y cấp huyện thành trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp đã khiến việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật bị trì trệ, không hiệu quả. Cụ thể các đơn vị không chủ động giám sát, kịp thời năm bắt thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh; không tổ chức việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng; không triển khai tiêm phòng vắc-xin; không thực hiện các biện pháp kiểm dịch xuất, nhập vào địa bàn tỉnh… Ngoài ra, giá hỗ trợ hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định hiện nay thấp hơn so với giá thị trường; thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều tháng; thủ tục hỗ trợ vướng, dẫn đến người dân bán chạy lợn, lợn nghi bệnh.

Hội nghị đã đưa ra giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới:

Tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP theo Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt chú trọng các giải pháp sau:

- Đối với các tỉnh, thành phố có bệnh DTLCP: (1) Tập trung nguồn lực để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức tiêu huỷ động vật mắc bệnh; nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc; (2) Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch; (3) Chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, xác định chính xác tác nhân gây bệnh; báo cáo kịp thời, đầy đủ; duy trì, kiện toàn hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định; (4) Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra khỏi tỉnh; đặc biệt thực hiện nghiêm việc cấm vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào vùng dịch; (5) Thành lập chốt kiểm dịch tạm thời, kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm lợn ra vào địa bàn tỉnh.

- Đối với các tỉnh, thành phố chưa có bệnh DTLCP: (1) Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trung tiêu độc; xây dựng phương án đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ,nơi buôn bán lợn, các sản phẩm lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bênh; (2) Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra vào tỉnh; Nếu phát hiện lợn bệnh, nghi bệnh, chết,… thì lấy mẫu xét nghiệm bệnh và xử lý theo quy định.

-  Đối với các địa phương có biên giới giáp với các nước, có cửa khẩu quốc tế, sân bay, bến cảng: tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, sân bay, cảng biển đối với lợn, sản phẩm lợn, người và phương tiện từ các nước vào Việt Nam.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh: Các địa phương cần xác định kịch bản cụ thể để xử lý tình huống nếu dịch bệnh lan ra diện rộng không bị động; Trong hỗ trợ người chăn nuôi cần xác định rõ đối tượng (lợn giống, lợn nái, lợn thịt...) để có phương án hỗ trợ hợp lý, việc hỗ trợ cần thực hiện ngay từ nguồn quỹ phòng chống thiên tai; Các cơ quan nghiên cứu tích cực vào cuộc để tìm vắc-xin phòng bệnh; Các bộ, ngành có phương án tránh khủng hoảng sau dịch bệnh; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và không để lây lan nhất là các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn.

Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Việc phòng chống dịch cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, để người dân hiểu về nguy hại của bệnh dịch, đồng thời vận động người chăn nuôi cam kết 5 không (Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi lợn). Công tác thông tin tuyên truyền cần đảm bảo hiệu quả, đúng mực, đúng lúc, không gây ảnh hưởng xấu đến phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đỗ Tuấn