Toàn cảnh Hội nghị

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 5 năm qua, chăn nuôi gia cầm nói chung, chăn nuôi gà nói riêng tiếp tục duy trì tăng trưởng khoảng 5% về số lượng và 9% về sản lượng/năm, góp phần đáp ứng cơ bản thực phẩm cho nhu cầu trong nước. Hiện tổng đàn gia cầm của cả nước là 334,1 triệu con, đạt 826 nghìn tấn thịt, 8,840 tỷ quả trứng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2015, đàn gà đạt 249,2 triệu con, tổng lượng thịt hơi gia cầm là 651,3 nghìn tấn, lượng trứng đạt 6.275,8 triệu quả. Dự báo năm 2015 đàn gà sẽ tăng 5,1% so với năm 2014. 

Trong những năm qua, Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi đã được ban hành giúp tạo sự chuyển biến trong định hướng sản xuất tại các địa phương; chọn tạo được một số giống phù hợp với vùng sinh thái; việc tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết đã mang lại hiệu quả, góp phần đáng kể vào tổng thu nhập quốc dân, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho hơn 7 triệu hộ nông dân. 

Báo cáo cũng cho thấy, hiện nay sản xuất chăn nuôi gà còn thiếu tính bền vững, khả năng cạnh tranh thấp bởi năng suất, chất lượng con giống chưa cao. Các khâu trong sản xuất còn thiếu tính liên kết, chưa gắn sản xuất với giết mổ, chế biến với thị trường. Sản phẩm tiêu thụ bấp bênh, không ổn định, thường xuyên mất cân đối giữa cung - cầu. Hiệu quả chăn nuôi thấp, chi phí sản xuất lớn hơn các nước trong khu vực và trên thế giới, khó cạnh tranh với sản phẩm của các nước… Các cơ sở chăn nuôi tư nhân chưa chủ động con giống và thức ăn, nên giá thành thường cao hơn các doanh nghiệp FDI từ 12 - 17%, trong khi giá bán không cao hơn, nên 6 tháng đầu năm nay, nhiều cơ sở chăn nuôi vẫn bị thua lỗ.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các đại biểu cho thấy hiện nay giá thức ăn chăn nuôi tại nước ta còn cao, giá giống cũng cao hơn các nước trong khu vực (so sánh với Thái Lan). Đầu ra của sản phẩm chăn nuôi gia cầm chưa ổn định và giá thịt gà nhập khẩu thấp hơn so với giá thịt gà trong nước, nên chăn nuôi gia cầm đang gặp phải những thách thức lớn. Trong thời gian tới, cần phải tập trung nâng cao chất lượng con giống, giảm giá thức ăn chăn nuôi, cân đối cung cầu giữa sản phẩm làm ra và nhập khẩu đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững và có khả năng cạnh tranh.

Phát biểu tại Hội nghị, TS Hạ Thúy Hạnh - PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai các mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, mô hình chăn nuôi gà sinh sản nông hộ, mô hình chăn nuôi vịt sinh sản vùng ĐBSCL, mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Các mô hình cung cấp khoảng 50.000 gà, vịt bố mẹ và gà thương phẩm đưa vào các mô hình khuyến nông chăn nuôi. Kết hợp với các hoạt động về đào tạo huấn luyện, thông tin tuyên truyền, kỹ thuật chăn nuôi cũng như các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kỹ thuật phòng trị một số bệnh trên đàn gia cầm đã được chuyển giao cho nông dân các địa phương. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang triển khai Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc” tại 7 tỉnh gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Kết quả, dự án đã cung cấp một số lượng giống gia cầm thương phẩm tại chỗ cho người chăn nuôi, góp phần giảm nhập gia cầm qua đường tiểu ngạch và quan trọng là đã thay đổi nhận thức cho người chăn nuôi biết sử dụng con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Qua các hoạt động thực tế công tác khuyến nông chăn nuôi, bà Hạnh cũng có một số nhận xét sau: (1) Về công tác giống, nông hộ chưa thấy rõ vai trò công tác giống, vẫn còn hiện tượng mua con giống không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo, do đó đàn gia cầm sinh trưởng kém và dễ nhiễm dịch bệnh. (2) Thức ăn chăn nuôi hiện nay, có quá nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi nhưng vẫn còn sản phẩm kém chất lượng nên ảnh hưởng đến chất lượng chăn nuôi. (3) Về phương thức chăn nuôi, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi còn thấp (đặc biệt tại các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ). (4) Công tác thú y: đã tăng cường quản lý dịch bệnh nhưng chỉ tập trung ở trang trại, gia trại; việc cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh còn chưa thường xuyên định kỳ 6 tháng/lần như quy định của cơ quan thú y. (5) Về chuỗi sản xuất, thành lập tổ nhóm sản xuất, thành lập Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi là rất cần thiết (giúp người chăn nuôi giảm chi phí đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra), tuy nhiên việc thành lập HTX còn gặp khó khăn do tính tự nguyện của người dân còn hạn chế. Việc bao tiêu sản phẩm chăn nuôi và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi còn nhiều khó khăn, nhất là trong thời gian tới khi chăn nuôi Việt Nam hội nhập TPP. Trong thời gian tới, Khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp với các đơn vị để đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo huấn luyện và xây dựng các mô hình phát triển chăn nuôi gia cầm theo chỉ đạo chung của Bộ.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, cần tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách và lâu dài. Đó là hướng tới phát triển chăn nuôi trang trại, chăn nuôi công nghiệp bên cạnh việc thực hiện chính sách phát triển chăn nuôi nông hộ theo Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ. Cần đẩy mạnh các hình thức liên kết trong chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện cho nhập khẩu, chọn tạo con giống năng suất, chất lượng tốt. Các địa phương tăng cường quản lí giống, nhất là giống gà. Siết chặt quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp cũng như hướng dẫn, phổ biến kiến thức về chế biến thức ăn chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi. Tìm cách giảm chi phí thú y, ngăn chặn dịch bệnh, đẩy mạnh xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, rà soát, xây dựng hàng rào kỹ thuật, tăng cường giám sát theo tiêu chuẩn các sản phẩm nhập khẩu, quyết liệt kiểm soát giết mổ và kinh doanh trong nước; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý Nhà nước chuyên ngành tại địa phương; đồng thời nhanh chóng tìm thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi gà.

Bộ trưởng cũng lưu ý trách nhiệm của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là cùng với các đơn vị tham mưu cũng như trực tiếp triển khai các hoạt động đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm. Bên cạnh đó, trách nhiệm chính của khuyến nông cả nước là hỗ trợ chăn nuôi nông hộ tăng cường triển khai các mô hình chăn nuôi gà gắn với công tác đào tạo tập huấn. Cần đẩy mạnh xây dựng các tổ nhóm sản xuất để hỗ trợ người chăn nuôi trong việc cung cấp vật tư đầu vào (giống, thức ăn, kỹ thuật, thú y...) và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đảm bảo chăn nuôi gà phát triển bền vững, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

 Thanh Thúy