Toàn cảnh hội nghị

Hội nghị có sự tham gia của Cộng đồng quốc tế từ các Đại sứ quán tại Hà Nội, các nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ (NGO), các doanh nghiệp, chuyên gia và các cơ quan quản lý thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT. Về phía Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có ông Trần Văn Khởi - Q. Giám đốc Trung tâm tham dự.

Hội nghị toàn thể ISG là một sự kiện cấp cao được tổ chức thường niên giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và cộng đồng các nhà tài trợ nhằm trao đổi kinh nghiệm và đối thoại về các chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn với mục tiêu đảm bảo vai trò chủ động của Bộ trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình/dự án có sự hỗ trợ của nước ngoài phù hợp với các chính sách và ưu tiên của chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Nông nghiệp và PTNT nói riêng.

Với chủ đề “Hợp tác quốc tế vì tăng trưởng nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan” hội nghị nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực từ cộng đồng quốc tế hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời tiết cực đoan đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của hàng triệu người dân Việt Nam, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Nông nghiệp là lĩnh vực chịu tổn thương nặng nề do tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, cần xây dựng nền nông nghiệp thân thiện với môi trường. Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trên cả phương diện thích ứng và giảm thiểu tác động.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao sự giúp đỡ, cộng tác, chia sẻ của cộng đồng quốc tế trong thời gian qua, đặc biệt là đợt hỗ trợ khẩn cấp ứng phó với hạn mặn cho Việt Nam nói chung và cho ngành nông nghiệp nói riêng. Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của cộng đồng quốc tế cho các ưu tiên về ứng phó với biến đổi khí hậu, và thời tiết cực đoan trong thực hiện các kế hoạch trung và dài hạn của Bộ.

Tại hội nghị, ông Christian Berger cho rằng, nông nghiệp, thủy lợi hoặc bảo vệ bờ biển là những nhân tố quan trọng cho sự phát triển thích ứng khí hậu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nếu thiếu sự phối hợp liên kết mạnh mẽ trong khu vực, những nỗ lực của Bộ, các Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các tổ chức khác sẽ khó mang lại thành công. Chính phủ Đức sẵn sàng tiếp tục đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và PTNT trong thời gian tới.

Bà Louise Chamberlain nhấn mạnh, hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua là lời cảnh tỉnh đối với Việt Nam cũng như các quốc gia khác. Điều này cũng cho thấy cần có sự quan tâm hơn nữa trong việc giải quyết các chính sách, chương trình. Các rủi ro, cực đoan của biến đổi khí hậu gây ra cần được tính toán trong các chính sách, chương trình của ngành. Cần điều chỉnh, thiết kế để phù hợp với biến đổi khí hậu. Thông qua hỗ trợ kỹ thuật, UNDP đã và đang triển khai lồng ghép quản lý các rủi ro về khí hậu, thiên tai vào các chính sách, chương trình trong các ngành chính; trong đó có ngành nông nghiệp; thiết kế các chương trình quản lý rủi ro dựa vào cộng đồng, giảm phát thải… ở cộng đồng ven biển.

Hội nghị tập trung tham luận các nội dung chính gồm: Tổng kết các kết quả, thách thức và bài học kinh nghiệm trong việc phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và các bên liên quan (các cơ quan Liên Hiệp Quốc, Tổ chức phi chính phủ quốc tế, các cơ quan quản lý ngành…) đã hưởng ứng tham gia ứng phó khẩn cấp với hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt… thời gian qua. Thông tin đến cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ về định hướng ưu tiên hợp tác quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Chia sẻ thông tin về các chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển ngành nhằm đảm bảo tăng trưởng và thích ứng với biến đổi khí hậu; kế hoạch tham gia của các nhà tài trợ trong chương trình phục hồi và lồng ghép các hoạt động biến đổi khí hậu trong các chương trình chung của Chính phủ và Liên Hiệp Quốc và các thông tin khác có liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong những năm qua, hệ thống khuyến nôngViệt Nam đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, góp phần không nhỏ vào kết quả chung của toàn ngành nông nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, vai trò của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được đánh giá cao thông qua các mô hình trình diễn, hội nghị hội thảo đầu bờ, các sự kiện khuyến nông… kịp thời hướng dẫn, tuyên truyền các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino, giúp người dân chủ động ứng phó, nâng cao hiệu quả sản xuất, né tránh thiên tai.

Hải Đường