Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, để đảm bảo mục tiêu "kép" vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo tốc độ tăng trưởng chăn nuôi, các địa phương cần sớm phê duyệt kinh phí, xây dựng kế hoạch tiêm phòng vaccine bệnh viêm da nổi cục.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nêu rõ, nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do thời tiết thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển như: ruồi, muỗi, ve, mòng…

Từ thực tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trong thời gian qua cho thấy, nếu các địa phương thực hiện tốt việc tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn gia súc thuộc diện tiêm thì có thể góp phần ngăn chặn dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đến nay tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục rất chậm. Tỷ lệ gia súc chết và tiêu hủy do bệnh viêm da nổi cục cách đây một tuần chỉ khoảng 10% gia súc mắc bệnh nhưng đến nay đã là 16%. Giá trị con trâu, bò rất lớn nên các địa phương cần đẩy nhanh trình tự thủ tục để trình Hội đồng nhân dân tỉnh, sớm có nguồn ngân sách mua vaccine tiêm phòng bệnh này.

Đồng thời, đơn vị chức năng địa phương tăng cường thông tin tuyên truyền để người chăn nuôi nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh; tuyệt đối không bán chạy trâu bò nghi nhiễm bệnh, không giết mổ buôn bán, vận chuyển trâu bò mắc bệnh, mặc dù bệnh viêm da nổi cục không lây sang người.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y, tính đến ngày 10/5/2021, các doanh nghiệp đã nhập khẩu trên 2,7 triệu liều vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục; đã cung ứng trên 2 triệu liều cho các địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò. Hiện tại, còn trên 700 nghìn liều đang được bảo quản và dự kiến trong thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu trên 3 triệu liều để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Về tiêm vaccine, ông Nguyễn Văn Long cho biết, vaccine đáp ứng miễn dịch phòng bệnh có hiệu quả sau 21 ngày tiêm nên các địa phương phải tổ chức tiêm phòng sớm; không nên để có dịch mới tổ chức tiêm phòng. Đồng thời, tổ chức tiêm phòng đồng loạt, hoàn thành trong thời gian sớm nhất, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% số gia súc trong diện tiêm.

Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong việc phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên gia súc, đại diện Tổ chức FAO tại Hà Nội cho biết, bệnh gây chết thấp nhưng gây tác động về giảm sản lượng sữa, gây viêm vú thứ phát, vô sinh, sảy thai... cho gia súc rất cao. Thời gian phục hồi kéo dài và gia súc bị ảnh thường nghiêm trọng có thể không lấy lại được sức sản xuất như trước khi bị nhiễm bệnh.

Hiện, có 5 mấu chốt loại trừ bệnh viêm da nổi cục là nâng cao nhận thức và phát hiện sớm; hạn chế hoặc cấm hoàn toàn việc vận chuyển gia súc; tiêu hủy; tiêm phòng và kiểm soát véc tơ truyền bệnh.

"Giải pháp quan trọng để không lây lan dịch bệnh sang con gia súc chưa bị bệnh là tiêm phòng vaccine. Những con trâu bò được vận chuyển phải được tiêm phòng trước 28 ngày. Trâu, bò có thể tiêm phòng ở bất kỳ giai đoạn nào, kể cả đang mang thai.", đại diện FAO tại Hà Nội cho biết.

Là một trong những doanh nghiệp được phép nhập khẩu vaccine viêm da nổi cục, ông Nguyễn Văn Bách - Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh Thuốc thú y Amavet cho biết, hiện chăn nuôi trâu bò chủ yếu là nông hộ mà việc tiếp cận được vaccine phụ thuộc vào chính sách của các tỉnh. Doanh nghiệp không thể cung cấp với số lượng nhỏ tới từng hộ dân được bởi chi phí sẽ tăng rất cao mà cần có sự đặt hàng của địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Bách, hiện nhiều địa phương chưa có kế hoạch đặt mua vaccine nên doanh nghiệp rất khó có thể nhập khẩu. Trong khi đó, việc nhập khẩu vaccine cũng cần có thời gian để đối tác cung cấp. Do vậy, các tỉnh cần có kế hoạch sớm để doanh nghiệp chủ động nhập khẩu, đồng thời chủ động phòng chống dịch.

Theo Cục Thú y, hiện nay, cả nước có 1.388 ổ dịch viêm da nổi cục ở đàn gia súc chưa qua 21 ngày tại 200 huyện của 27 tỉnh, thành phố với 48.465 con gia súc mắc bệnh và 7.027 con gia súc chết và tiêu hủy./.

Bích Hồng