Tham dự hội thảo có lãnh đạo của Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chuyên gia của FAO, đại diện đơn vị xây dựng mô hình tại Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc cùng bà con chăn nuôi gà trong tỉnh Bắc Giang.

Theo đó, từ năm 2015, được sự hỗ trợ của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang triển khai các hoạt động, chương trình nhằm phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, giúp cho người chăn nuôi và cộng đồng nắm bắt thông tin và thay đổi nhận thức trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia cầm một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm truyền lây giữa người và động vật.

Đến nay, các hộ tham gia mô hình đều nhận thức được sự cần thiết của quản lý an toàn sinh học thích hợp trong chăn nuôi gia cầm; người chăn nuôi gia cầm đã giảm được chi phí sản xuất cùng như tăng năng suất. Nhìn chung, mức lợi nhuận của các trại tham gia mô hình cao hơn so với các trại đối chứng trong tất cả các hệ thống chăn nuôi gia cầm. Tỷ suất lợi nhuận cao nhất được cho hoạt động cơ sở ấp nở gà mô hình 48,7%, trại gà giống mô hình gần 43%, cơ sở ấp nở vịt mô hình 28% và trại gà thịt đối chứng 3,9%. Việc áp dụng các biện pháp khuyến cáo an toàn sinh học (ATSH) trong các trại chăn nuôi gia cầm giúp cải thiện môi trường làm việc, cải thiện sức khỏe người chăn nuôi…

Bên cạnh đó, báo cáo đã chỉ ra những khó khăn mà nghành chăn nuôi cả nước gặp phải như đầu ra sản phẩm không ổn định; giá đầu vào thức ăn, vật tư còn ở mức cao; sự bùng phát của nhiều dịch bệnh nguy hiểm gây thiệt hại lớn như cúm gia cầm, bệnh tai xanh, lở mồm long móng…

Tại hội thảo, bà Trần Thị Hải Yến - Trưởng phòng quản lý giống, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang chia sẻ: tham gia mô hình an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm giúp cho bà con chăn nuôi tỉnh Bắc Giang thay đổi nhận thức về xử lý chất thải chăn nuôi, giảm ô nhiễm, giảm mầm bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái.

“Tại Vĩnh Phúc, mô hình chăn nuôi gia cầm áp dụng các biện pháp ATSH, giảm chi phí sử dụng kháng sinh từ 2,5- 3 triệu đồng/lứa gà thịt, giảm 40 - 50% mức độ sử dụng hóa chất sát trùng...; gà sinh trưởng phát triển tốt, trọng lượng của gà thịt tăng 200 gram/con so với khi chưa tham gia mô hình” - Bà Bùi Thị Vần Thơ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ.

Qua hội thảo, các đại biểu đều mong muốn các cơ quan Trung ương, tổ chức FAO tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để nhân rộng mô hình chăn nuôi gia cầm theo tiêu chuẩn ASEAN GHAP; hỗ trợ xây dựng một số mô hình chuỗi liên kết  sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.

TS Hạ Thúy Hạnh kết luận hội thảo

Kết luận hội thảo, TS Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, cần tuyên truyền phổ biến kiến thức chăn nuôi đến những địa phương có ngành chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh về nâng cao thực hành tốt và an toàn sinh học đối với cơ sở chăn nuôi. Đề xuất cách tiếp cận cho hệ thống khuyến nông về phương pháp chuyển giao chuyển giao, cách thức xây dựng mô hình và hình thành cơ chế định mức kinh tế áp dụng cho khuyến nông. Đồng thời, bà Hạ Thúy Hạnh đề nghị, các địa phương tham gia mô hình an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để các hộ tự bỏ kinh phí ra thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, duy trì mô hình an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm.

Nguyễn Thanh

Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang