Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh kỷ niệm

 

Hiện nay, kinh tế tuần hoàn ngày càng được công nhận là phương pháp tiếp cận và mô hình hiệu quả cho sản xuất và tiêu dùng bền vững trên thế giới, mang lại lợi ích kinh tế và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường. Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành nông nghiệp tại Châu Á, Liên minh Châu Âu (EU) đã tài trợ cho phía Việt Nam và ủy quyền cho HELVETAS Việt Nam và Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC) triển khai thực hiện Dự án “Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất cacao: Từ hạt ca cao đến thanh sô-cô-la” trong thời gian 4 năm (2022-2026), trước mắt tại các tỉnh Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là lần đầu tiên Liên minh Châu Âu hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn cho ngành nông nghiệp. Tổng ngân sách dự án là 1,93 triệu EUR, trong đó 80% do Liên minh Châu Âu và 20% do Tổ chức Helvetas tài trợ.

Mục tiêu dự án nhằm chuyển đổi phân ngành sản xuất ca cao/sô-cô-la sang cách tiếp cận kinh tế tái sinh và kinh tế tuần hoàn ở các điểm chính của vòng đời sản phẩm, đồng thời tạo đòn bẩy cho sự thay đổi rộng hơn theo hướng kinh tế tuần hoàn trong các ngành nông sản, thực phẩm khác.

Dự án triển khai gồm 3 hợp phần: Hợp phần 1.  Hỗ trợ nông dân và dịch vụ đầu vào theo hướng sản xuất kinh tế tuần hoàn, nhằm tăng năng suất và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Hợp phần 2. Hỗ trợ các đơn vị chế biến ca cao/ sô-cô-la giảm phát thải, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và nguồn nước, ứng dụng hệ thống quản lý áp dụng truy xuất nguồn gốc. Hợp phần 3. Mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành ca cao được nhân rộng trong lĩnh vực nông sản và xây dựng chính sách tại Việt Nam.

Trong quá trình triển khai dự án, các hoạt động động bao gồm: Giới thiệu bộ giải pháp kỹ thuật hướng kinh tế tuần hoàn nhằm phát triển hệ thống tư vấn hỗ trợ phục hồi trồng xen ca cao với điều, hồ tiêu và các cây trồng khác; Xây dựng mạng lưới kết nối với nông dân, doanh nghiệp và các đối tác khác; Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện cung cấp đầu vào, công nghệ và dịch vụ hỗ trợ mới một cách bền vững. Hỗ trợ các nhà thu mua và lên men cải thiện chất lượng vận chuyển và lên men hạt ca cao. Xây dựng kế hoạch nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và tái sử dụng phế thải tại các cơ sở chế biến ca cao và sản xuất sô-cô-la). Hỗ trợ sản xuất và thương mại hoá bao bì sinh học cho sản phẩm ca cao. Ứng dụng giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc thân thiện với người dùng, truy xuất nguồn gốc trực tuyến. Tổ chức đối thoại chính sách về kinh tế tuần hoàn trong phân ngành ca cao và nông sản thực phẩm khác. Xây dựng kế hoạch đầu tư nhân rộng phương thức sản xuất kinh tế tuần hoàn.

Bà Kristina Buende, Trưởng Ban Hợp tác của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

 

Phát biểu tại Hội thảo, bà Kristina Buende, Trưởng Ban Hợp tác của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam chia sẻ: Dự án Kinh tế tuần hoàn: Từ hạt ca cao đến thanh sô-cô-la" sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi ngành ca cao và sô-cô-la sang các phương pháp tiếp cận kinh tế tuần hoàn tại các mắt xích chính trong vòng đời sản phẩm. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia dự án có thể cải thiện hình ảnh thương hiệu, thể hiện năng lực trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường, xã hội và quan trọng hơn là đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng của thị trường về các sản phẩm có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Chúng tôi hy vọng rằng dự án này sẽ một ví dụ tiêu biểu của Việt Nam trong quá trình phát triển một nền nông nghiệp bền vững có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm khối tư nhân, bên cung cấp dịch vụ, người tiêu dùng cũng như các định chế tài chính và các nhà hoạch định chính sách nhằm đạt được sự chuyển dịch kinh tế hơn nữa sang hướng các-bon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và phát triển các chuỗi giá trị tuần hoàn.

TS. Nguyễn Viết Khoa, trưởng phòng Đào tạo huấn luyện – TTKNQG cho rằng đây là dự án có nhiều ý tưởng mới. Kinh tế tuần hoàn là một trong những nội dung đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và tận dụng phế phẩm nông nghiệp như là một nguồn lợi để gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp, giúp tăng thu nhập của nông dân. Bên cạnh đó nhu cầu về ca cao của thế giới ngày càng tăng nên đầu ra cho hạt ca cao Việt Nam rất thuận lợi. Tuy nhiên trong những năm gần đây có sự sụt giảm đáng kể về diện tích trồng ca cao do sự biến động của giá, sự lựa chọn vùng trồng chưa phù hợp, những hạn chế về kỹ thuật trồng, sâu bệnh hại, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vấn đề về biến đổi khí hậu, liên kết sản xuất của các công ty với người nông dân còn gặp nhiều khó khăn,... nên cây ca cao phát triển chưa bền vững. Ông cũng đề nghị trong quá trình triển khai dự án cần có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của các bên để tư liệu hoá kinh nghiệm triển khai dự án, xây dựng bộ tài liệu đào tạo khuyến nông về ca cao cho các vùng để góp phần xây dựng phát triển ca cao trong giai đoạn mới.

TS. Nguyễn Viết Khoa – Trưởng phòng Đào tạo huấn luyện – Trung tâm KNQG chia sẻ chính sách nông nghiệp và tình hình sản xuất ca cao tại Việt Nam

Dự án triển khai sẽ giải quyết nhiều vấn đề mà ngành ca cao Việt Nam và các ngành nông sản thực phẩm phải đối mặt bao gồm việc giảm sử dụng hoá chất độc hại trong sản xuất, sử dụng bao bì sinh học, chế biến chất thải ca cao thành nguồn năng lượng cho vật liệu đầu vào, số hóa truy xuất nguồn gốc góp phần tăng trưởng chuỗi cung ứng ca cao hiệu quả, lành mạnh với môi trường. Nông dân và các công ty chế biến ca cao dự kiến sẽ có thu nhập cao hơn thông qua áp dụng các phương thức canh tác mới theo hướng nông nghiệp tái sinh, trong khi các công ty chế biến ca cao sẽ được hưởng lợi từ việc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh nền kinh tế tuần hoàn./.

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia