Tham gia Hội thảo có đại diện các tổng cục, cục thuộc Bộ, Viện lúa ĐBSCL, Viện KHKTNNMN, trường Đại học Cần Thơ, Đại học Kiên Giang, Hiệp hội Lương thực miền Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các doanh nghiệp trong vùng…

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo nhằm triển khai Quyết định số 593/2016/QĐ-TTg ngày 06/04/2016 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2016 – 2020. Với đặc thù là khu vực sản xuất nông sản chủ lực của cả nước và dự báo ngày càng chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH), lĩnh vực thí điểm liên kết chính ở ĐBSCL là liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo các chuỗi giá trị chủ lực (lúa gạo, trái cây và thủy sản) và hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi và bảo vệ môi trường ứng phó với BĐKH.

Cùng với 3 tiểu vùng khác (tiểu vùng bán đảo gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang; tiểu vùng Đồng Tháp Mười gồm Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang và tiểu vùng ven biển gồm Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang), tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX, gồm Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang) được Bộ Nông nghiệp&PTNT dự kiến thí điểm các hình thức liên kết vùng khác nhau theo 4 tiểu vùng căn cứ theo các mặt hàng nông sản chủ lực gắn với từng tiểu vùng.

Tiểu vùng TGLX có tổng diện tích tự nhiên khoảng 498.141 ha, trong đó An Giang có 245.084 ha, Kiên Giang 238.057 ha còn lại là Cần Thơ 15.000 ha. Địa hình vùng TGLX tương đối thấp và khá bằng phẳng, là hướng thoát lũ ra biển Tây của vùng ĐBSCL. Mùa lũ hàng năm (từ tháng 7 đến tháng 12) vùng này bị ngập với độ sâu từ 0,5 đến 2,5 mét. Mùa khô, vùng này thường bị hạn và nước mặn xâm nhập.

Sau hơn 20 năm được đầu tư khai thác, phát triển, tiểu TGLX đã trở thành vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo lớn nhất khu vực ĐBSCL với diện tích 350.000 ha (25% diện tích lúa của ĐBSCL) với tổng sản lượng đạt gần 5 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt và lợ cũng đang phát triển nhanh đóng góp lớn vào kinh tế của vùng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì vùng này hiện nay đang có nhiều khó khăn thách thức. Đó là: Tình trạng độc canh cây lúa, chưa phát huy được thế mạnh đa dạng hóa sản xuất về các loại cây công nghiệp ngắn ngày và thủy sản kết hợp với trồng lúa tương xứng với tiềm năng vốn có của vùng; Tình trạng lĩnh vực thủy sản phát triển không theo quy hoạch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ô nhiểm môi trường và giảm lợi nhuận cho người nuôi; Các yếu tố về biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các tỉnh trong vùng; Việc tổ chức sản xuất và kiểm soát lũ giữa các địa phương trong vùng chưa có sự thống nhất, ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến sản sản xuất và đời sống; Cơ sở hạ tầng giao thống của tiểu vùng còn nhiều bất cập trong việc kết nối nội vùng cũng như liên vùng…

Nhiều ý kiến tại hội thảo chỉ ra rằng những khó khăn, thách thức trên chỉ có thể được giải quyết nếu có sự liên kết ở cấp độ từng tiểu vùng và toàn vùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh. Do đó, việc liên kết các tỉnh trong vùng trở nên hết sức cấp bách, vừa nhằm phát huy những cơ hội và thế mạnh chung (tiềm năng phát triển nông nghiệp và du lịch – dịch vụ; nhiều sản phẩm đa dạng, đặc thù và có thương hiệu; mậu dịch biên giới với Campuchia; nhiều cơ hội kêu gọi đầu tư; nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ các nước đang có những ý tưởng hợp tác, hỗ trợ), đồng thời cũng khắc phục những điểm yếu và thách thức (tài nguyên ngày càng khan hiếm, sử dụng đất kém hiệu quả; an ninh nguồn nước đang báo động do các đập ở thượng nguồn, tác động của BĐKH; sử dụng nguồn tài nguyên nước thiếu liên kết…).

Từ thực trạng trên, một số vấn đề về liên kết tiểu vùng TGLX đã được đặt ra.

Về định hướng chung, liên kết các tỉnh trong tiểu vùng TGLX gồm 7 nội dung chính: (i) liên kết phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông thủy lợi; (ii) liên kết về bảo vệ, quản lý, khai thác tài nguyên nước; (iii) liên kết về quy hoạch vùng sản xuất; (iv) liên kết trong kêu gọi hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, dịch vụ, du lịch; (v) liên kết xây dựng chuỗi ngành hàng và thương hiệu nông sản; (vi) liên kết trong khuyến nghị chính sách chung cho tiểu vùng trong tái cơ cấu nông nghiệp theo kịch bản “Nâng cao sinh kế và ứng phó BĐKH” của vùng ĐBSCL; (vii) liên kết để phản hồi chính sách cho Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế liên quan đến “an ninh nguồn nước ĐBSCL” trong tổng thể BĐKH và phát triển các đập ở thượng nguồn sông Mê Kông.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp&PTNT Trần Thanh Nam nói rõ mục tiêu của liên kết là nhằm phát huy được thế mạnh của từng địa phương. Trong từng tiểu vùng cần chọn một vài sản phẩm chủ lực để liên kết, ví dụ đối với An Giang và Kiên Giang thì sản phẩm chủ lực là lúa gạo, đối với Cần Thơ và Hậu Giang là trái cây… Cũng theo Thứ trưởng thì điều kiện để liên kết được tốt là cần gỡ được nút thắt về hạn điền, xây dựng và chia sẻ rộng rãi cơ sở dữ liệu và xác định được mặt hàng chủ lực của từng tiểu vùng, đồng thời có cơ chế điều hành thống nhất trong liên kết của từng tiểu vùng./.

Ngô Văn Đây

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia