Bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Ông N.G.Jayasimha - Giám đốc tổ chức HSI Ấn Độ đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Hạ Thúy Hạnh cho biết: tại Việt Nam, phúc lợi động vật vẫn còn là một khái niệm mới, được ít người biết đến. Phúc lợi động vật được hiểu một cách đơn giản là việc đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt nhất về mặt thể chất, tinh thần, tránh những đau đớn không đáng có, cho dù đó là con vật nuôi làm thực phẩm, công cụ sản xuất, thú cưng hay động vật hoang dã bị nuôi nhốt. Phúc lợi động vật có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với con vật mà cả đối với con người, xã hội và môi trường. Phúc lơi động vật là nhân tố cực kỳ quan trọng để phát triển một ngành chăn nuôi bền vững và lợi ích khi áp dụng phúc lợi vật nuôi là động vật được nuôi theo hướng phúc lợi có chất lượng sản phẩm tốt hơn, giá trị cao hơn; chăn nuôi đảm bảo phúc lợi là hòa nhập với sự phát triển của khu vực và quốc tế.

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo

Để làm rõ thêm khái niệm này, ông Rajan Roshith – Giám đốc Trách nhiệm Doanh nghiệp Sodexo châu Á chia sẻ về tầm quan trọng của phúc lợi động vật trong chuỗi cung ứng – tương lai của trứng gà nuôi không lồng. Giám đốc mảng tiếp cận Doanh nghiệp (HSI châu Á), ông Dawn Neo cũng chia sẻ về tương lai nuôi gà đẻ không dùng chuồng lồng. Ông Ron Dwinger – chuyên gia Hà Lan chia sẻ về yêu cầu phúc lợi động vật cho lợn ở Liên minh châu Âu. Công ty cổ phần tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội chia sẻ cách tiếp cận về phúc lợi động vật của các trang trại chăn nuôi phía Bắc.

Tại Hội thảo, bà Đặng Trang – Giám đốc mảng động vật trang trại – HSI Việt Nam đã giới thiệu về mô hình nuôi gà mái không dùng chuồng lồng và heo nái theo nhóm tại Việt Nam. Theo đó, sản xuất trứng gà trong mô hình không sử dụng chuồng lồng ngày càng phổ biến trên thế giới. Hình thức nuôi không lồng chuồng vẫn giữ cho gà thể hiện được các hành vi bản năng tự nhiên, gà mái tận dụng tốt các tính năng của chuồng tầng, di chuyển giữa các tầng bằng cách bay hoặc đi bộ lên xuống dốc, đẻ trứng vào ổ đẻ và ngủ trên những cây sào trên cao vào ban đêm. Với phương thức nuôi này sẽ làm tăng giá trị và chất lượng sản phẩm so với hình thức nuôi nhốt trong lồng.

Thực tiễn cho thấy, với trang trại 50.000 con gà đẻ trứng của anh Lê Văn Hòa tại Chợ Gạo, Tiền Giang, sau khi được sự giúp đỡ của HSI, anh đã cải tiến chuồng lồng theo hướng phúc lợi động vật. Đàn gà được nuôi với mật độ thấp hơn, có khoảng không gian cho gà có thể đi lại, vỗ cánh, và một số tập tính tự nhiên khác mà vẫn đảm bảo được năng suất của đàn gà và số lượng của trứng cao so với hình thức nuôi trong lồng.

Khách tham quan gian hàng trưng bày về mô hình gà nuôi không chuồng lồng của TTKNQG

Bà Trang cho biết thêm: Việc phúc lợi vật nuôi trong chăn nuôi heo sinh sản bằng việc nuôi theo nhóm, nuôi heo nái thành những nhóm nhỏ trước khi gộp lại thành một nhóm lớn hơn và phân chia không gian để tạo chỗ nghỉ ngơi cho những cá thể heo nái yếu hơn hoặc giảm mật độ nuôi. Đồng thời, thiết kế chuồng trại với các tiêu chuẩn như: che mưa che nắng tốt, nền chuồng bằng xi măng, thảm lót hoặc đệm lót, dễ vệ sinh; luôn có đủ rơm rạ hoặc các nguyên liệu khác để lót ổ; có khu vực ngoài trời để vật nuôi vận động theo bản năng. Ngoài ra, gắn thêm các đồ vật giúp mô phỏng môi trường sinh sống tự nhiên của heo. Nuôi theo phương thức này sẽ giúp cho con vật sức khỏe tốt, môi trường tốt và tạo ra chất lượng sản phẩm tốt hơn.

Cũng tại hội thảo, Trung tâm KNQG cùng các tổ chức chăn nuôi trong và ngoài nước đã ký kết bản ghi nhớ: “Tôi ủng hộ hệ thống nuôi gà không chuồng và nuôi heo nái theo nhóm”.

Thông qua hội thảo lần này, đã giúp cho các đại biểu, đặc biệt là những người nông dân, các chủ trang trại, hợp tác xã hiểu thêm về “phúc lợi động vật” sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng có giá trị cao và có ý nghĩa lớn đối với xã hội và môi trường.

TS Hạ Thúy Hạnh, PGĐ TTKN Quốc gia ký bản ghi nhớ: “Tôi ủng hộ hệ thống nuôi gà không chuồng và nuôi heo nái theo nhóm”

Quảng Bình

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia