Sáng ngày 2/6/2021, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội liệp hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bàn về cơ chế phối hợp giữa các bên nhằm góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh, qua đó cải thiện và nâng cao đời sống người dân nông thôn. Trước mắt là hỗ trợ nông dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ NN&PTNT với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn TN

 

Từ đầu năm đến nay, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi hai đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt kết quả tốt về sản xuất, tăng trưởng xuất khẩu đạt khá. Theo số liệu thống kê, trong bốn tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,003 tỷ USD, chiếm 23,3% thị phần và tăng trưởng 35,8% so với năm 2020. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản còn một số điểm “nghẽn” trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến như hiện nay. Đó là thiếu lao động do yêu cầu giãn cách xã hội; người sản xuất thiếu kinh nghiệm và kỹ năng trong khâu thu hoạch, sơ chế, phân loại, đóng gói đảm bảm chất lượng và an toàn phòng dịch; khó khăn trong vận chuyển nông sản từ vùng dịch đến nơi tiêu thụ, nhất là tại những vùng nông sản nằm trong khu vực giãn cách sẽ không có thương lại thu mua…

Dịch bệnh Covid-19 đã làm đứt gãy nhiều chuỗi liên kết - tiêu thụ nông sản, khiến nhiều hợp tác xã và người nông dân gặp khó trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Nhiều tổ chức, cá nhân đã tự phát hỗ trợ “giải cứu” nông sản cho bà con nông dân. Bên cạnh mặt tích cực, việc “giải cứu” tự phát còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như nông sản không có cơ quan chứng nhận, đảm bảo chất lượng sản phẩm; sản phẩm bị tư thương ép giá, hay chưa qua kiểm dịch; tập trung đông người không đảm bảo an toàn phòng dịch theo tiêu chuẩn 5K tại các điểm bán nông sản tự phát.

Tại buổi làm việc, đại diện các Bên đã thống nhất cần loại bỏ các điểm “giải cứu” tự phát không đảm bảo an toàn phòng dịch và không sử dụng cụm từ “giải cứu nông sản”. Thống nhất, phối hợp xây dựng mô hình tiêu thụ nông sản trong mùa dịch với tiêu chí:

- Đảm bảo chất lượng nông sản: Nông sản sau khi thu hoạch được sơ chế, đóng gói đúng quy trình đảm bảo sản phẩm tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng, có xác nhận xuất xứ rõ ràng về vùng trồng, ngày sơ chế, đóng gói.

- Đảm bảo có xác nhận an toàn dịch bệnh: Các phương tiện vận chuyển đảm bảo được phun thuốc khử khuẩn, lái xe có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2.

- Các điểm bán hàng trực tiếp đảm bảo an toàn phòng dịch theo tiêu chuẩn: Gian hàng được thiết kế đi theo một chiều; nông sản được bày bán trên giá, kệ hoặc pallet được khử khuẩn. Khách hàng phải tuân thủ đúng tiêu chuẩn 5K, khu thu ngân có màng che bằng nilong hoặc kính.

Mô phỏng mô hình các điểm bán hàng nông sản, vải thiều đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19 của Bộ NN&PTNT, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên

 

Trước mắt, hình thành để thúc đẩy tiêu thụ nông sản bị ùn ứ tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các Bên sẽ phối hợp để tổ chức các Điểm tiêu thụ nông sản an toàn phòng dịch Covid-19 với hình thức bán trực tiếp và bán thông qua hệ thống thương mại điện tử giao hàng tận nhà khách hàng. Tất cả các điểm bán hàng đều được gắn logo của 4 đơn vị để tăng tính nhận diện thương hiệu sản phẩm và cam kết về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ cùng khẩu hiệu: "Nâng niu giá trị nông sản Việt - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch".

Theo đó, trong tuần tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức 20 điểm, Trung ương Hội liệp hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng 5 điểm, Đoàn Thanh niên xây dựng 10 điểm, Hội Nông dân triển khai tại 124 điểm. Dự kiến, ngày 8/6, Đoàn Thanh niên sẽ được giao chủ trì phát động đợt bán hàng nông sản, vải thiều hỗ trợ bà con nông dân tại Hà Nội.

Hoa Trà